Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, siêu bão Utor (tên do Hoa Kỳ đề cử, có nghĩa là đường tố) đang trên đường tiến vào Biển Đông. Đến chiều 11/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ bắc; 124,1 độ kinh đông, cách đảo Ludông (Philíppin) khoảng 270 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17 - cấp cao nhất trong thang độ gió Bopho.
Dự báo, trong 1-2 ngày tới, bão Utor di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Khoảng trưa 12/8, bão Utor sẽ vào Biển Đông và là cơn bão số 7. Đây là cơn bão rất mạnh, khi vào Biển Đông còn giữ cường độ cấp 13 - 14; di chuyển nhanh và còn diễn biến rất phức tạp.
Do ảnh hưởng của bão, trong vài ngày tới ở khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 11; vùng gần tâm bão cấp 12 - cấp 14; giật cấp 15, cấp 16; biển động dữ dội, sóng biển ngợp trời cao tới 10 m cực kỳ nguy hiểm đối với tàu thuyền.
Ngoài ra, trên khu vực giữa Biển Đông còn một áp thấp nhiệt đới khác. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,6 độ vĩ bắc; 113,6 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 150 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Dự báo trong ngày tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển rất chậm theo hướng đông, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và sẽ bị hút vào cơn bão Utor. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía đông khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía đông bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
BMT