Ải Chi Lăng, đỉnh núi Mẫu Sơn tuyết phủ mùa đông, tượng nàng Tô Thị, cửa khẩu Tân Thanh thông thương với Trung Quốc... là những địa chỉ thu hút du khách gần xa của tỉnh Lạng Sơn. Nhưng ít ai biết, tỉnh miền biên viễn này còn có địa danh Ba Sơn, với những ngôi nhà trình tường đông ấm hè mát và những phiên chợ tình, nơi nam nữ đến hát sli, dự hội “nhẩm lẩu”...
Nguyên sơ miền biên viễn…
Ba Sơn thuộc khu Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, địa hình chủ yếu là đồi núi, chỉ có người dân tộc thiểu số sinh sống, khách du lịch cũng ít biết đến nên các phong tục tập quán của dân bản địa hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn.
Ba Sơn chưa có nhà nghỉ hay khách sạn, du khách thường nghỉ đêm ở thành phố Lạng Sơn sáng hôm sau mới bắt ô tô lên Ba Sơn. Riêng chúng tôi tìm nhà gửi hành lý và nghỉ qua đêm. Vợ chồng chủ nhà người dân tộc Tày giục chúng tôi đi chơi một vòng thị trấn bởi “Ở đây chiều xuống có mây sa đẹp lắm” và “về sớm để còn nhẩm lẩu”, bởi bất cứ người nào ở xa đến đây đều là khách quí.
Các thiếu nữ Nùng Phàn Sình với mái tóc hỉ nhi quen thuộc. |
“Nhẩm lẩu” theo tiếng của người dân tộc ở đây có nghĩa là đi uống rượu và giao lưu. Du khách không nhất thiết phải đến Ba Sơn vào chính hội - ngày 6/2 âm lịch, mà cứ vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hằng tháng, đến Ba Sơn bạn có thể “nhẩm lẩu” đến quên trời đất!
Khuổi Tát là một bản nhỏ ở Ba Sơn, thuộc xã Xuất Lễ. Cả bản chỉ có 46 hộ dân tộc Nùng. "Khuổi Tát" theo tiếng Tày là Suối Thác. Đoạn chảy qua bản thì uốn lượn, nhiều đá, nhiều khe. Người dân địa phương cho biết, có lẽ vì suối quanh co mà 46 hộ của thôn Khuổi Tát chia thành 5-6 chòm.
Ngày trước, mùa lạnh cũng như mùa mưa, nước cạn như nước nguồn, đi từ chòm này sang chòm khác phải lội suối, mùa mưa lũ to rất nguy hiểm. Ngày nào nước to, học sinh phải nghỉ học; mùa lạnh, nước chỉ xâm xấp lòng suối nhưng bà con vẫn phải lội thì mới lên được đường giao thông…
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt khách phương xa là các thiếu nữ người dân tộc Nùng Phàn Sình trong những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ với mái tóc hỉ nhi (hay còn gọi là hiển nhi) mà theo anh Huynh, một giáo viên tự nguyện làm hướng dẫn viên du lịch đi cùng, chỉ cần nhìn vào những mái tóc ấy có thể đoán biết được các thiếu nữ đó đều... chưa có gì!
Hầu hết những ngôi nhà ở Ba Sơn là nhà trình tường nhà thấp, tường nện bằng đất và đá ong, lợp ngói âm dương, mùa hè mát và mùa đông rất ấm. Có một hình ảnh “rất Ba Sơn” nữa là, ở vùng đất này, hàng rào của từng ngôi nhà đều được xếp bằng đá, bên trên có những bụi xương rồng gai hoa đỏ nhỏ li ti rất đẹp.
Tục sêu Tết…
Người Nùng Phàn Sình có hai ngày Tết cổ truyền là Tết Nguyên đán và Tết Rằm tháng bảy âm lịch. Theo phong tục, ngoài dịp Tết Nguyên đán đến Tết Rằm tháng bảy người Nùng phải sêu Tết lần nữa. Bên cạnh đó, người Nùng Phàn Sình coi hôn nhân là chuyện trọng đại, mà theo tục từ xa xưa, ăn hỏi xong phải để vài năm sau người Nùng mới tiến hành làm lễ cưới. Vì thế vào ngày Tết Nguyên đán, nhà trai phải làm lễ đi sêu Tết bên nhà thông gia đều đặn hàng năm cho đến khi cưới. Tục sêu Tết này là điều khẳng định sự gắn bó giữa hai gia đình, là cách làm thân giữa hai họ.
Người Nùng xưa có ý thức muốn tự sắm đầy đủ tất cả mọi thứ đồ dùng cần thiết cho đời sống. Từ sau rằm tháng bảy, đồng bào chuẩn bị nuôi gà và vỗ béo lợn cho ngày Tết Nguyên đán.
Nếu nhà nào phải làm lễ sêu Tết sang nhà thông gia thì phải chuẩn bị lễ vật là một đôi gà sống thiến to và béo, một vò rượu, một cân gạo nếp, một cân thịt lợn. “Lễ vật phải mang đến nhà gái trước các ngày Tết từ 5 - 7 ngày. Chàng rể sẽ cùng bố mẹ, hoặc người đại diện nhà trai mang lễ đến đặt lên bàn thờ tổ tiên. Như vậy, họ hàng mới thấy được tấm lòng của chàng rể đối với nhà vợ”, bà Mã Thị Hon (bản Khuổi Tát, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc) cho biết.
Sau khi cưới, con trai phải đi sêu Tết bố mẹ vợ thì chỉ cần sêu Tết vào dịp Tết Nguyên đán còn rằm tháng bảy thì không phải sêu nữa. Lễ vật sau khi cưới để sêu Tết cũng khác, chỉ là hai cặp bánh chưng, một vò rượu, một cân thịt lợn. Theo bà Mã Thị Hon: “Tục sêu Tết hàng năm là nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc của người Nùng Phàn Sình. Nó sẽ tiếp tục được lưu giữ cho tới mai sau, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
“Nhẩm lẩu” ở chợ tình…
Vào dịp lễ hội, các chàng trai cô gái dân tộc trong những bộ trang phục truyền thống từ khắp các nẻo đường đổ về khu chợ thị trấn từ sáng sớm. Nhiều thiếu nữ ở xa đi nhờ những chuyến xe công nông, nhưng phần đông vẫn là các chàng trai cô gái đèo nhau trên những chiếc xe Minsk dã chiến phóng ào ào khiến người đi đường thỉnh thoảng một phen hoảng hốt dạt cả ra hai bên. Những tràng cười vang lên rộn rã.
Các thiếu nữ dân tộc Dao với trang phục truyền thống. |
Quanh năm suốt tháng phải làm những công việc nhà nông trên đồi núi cao, nên những dịp như thế này các thiếu nữ ở Ba Sơn thường diện những chiếc váy áo đẹp nhất, trang điểm thật đẹp đến để giao lưu, nói chuyện hay chỉ im lặng ngắm tìm ý trung nhân cho mình.
Các chàng trai Nùng Phàn Sình đến chợ để uống rượu, nói chuyện rồi hát những câu sli (một điệu hát gần giống như quan họ Bắc Ninh) tình tứ. Trong khi các chàng trai hát, các thiếu nữ sẽ ngầm quan sát chàng nào nói chuyện có duyên và hát hay, sau đó sẽ mời “nhẩm lẩu” rồi tặng chàng những chiếc áo do chính tay họ thức thâu đêm may. Dạo một vòng quanh chợ, thấy chàng trai nào khoác nhiều áo mới có nghĩa là chàng trai đó rất có duyên và được nhiều cô gái tỏ lòng yêu quí, đồng thời đó chính là vật để làm tin.
Để đáp lại, chàng trai sẽ tặng cô gái những chiếc thước đo để may áo hoặc đòn gánh, những món quà giản dị nhưng rất có ý nghĩa, bởi nó được nàng ngầm hiểu thay cho lời hứa hẹn của chàng trai rằng, một ngày nào đó sẽ đặt chân trên bậc cửa nhà mình.
Đối với người dân tộc Dao, các chàng trai khi thích một cô gái sẽ bày tỏ bằng cách kéo yếm của cô gái đó lại. Nếu cô gái tỏ ý thích sẽ đồng ý để chàng trai kéo mình đi theo, còn ngược lại, nếu đó không phải là đối tượng của mình thì cô gái sẽ bỏ chạy và chàng trai sẽ đi kéo yếm một cô gái khác. Suốt phiên chợ, những câu hát không lúc nào ngừng vang lên da diết, trầm bổng giữa núi rừng. “Song lầu phúc sơ tọ lảy sì/ Sli san tàng cần niềm pủ sơ- Hai chúng ta gặp nhau giao duyên ngần ấy thời gian/ Tạm chia tay giữ lời hứa của mình!”.
Mải chơi, chúng tôi không để ý chiều đã xuống tự lúc nào. Đây cũng là lúc những bàn rượu được dọn ra. Rượu Mẫu Sơn nấu bằng men lá nhắm với thịt lợn quay, uống từng bát, từng bát khiến say lúc nào không biết…
Linh Khanh