Ngày 24/10, PGS.TS Đỗ Như Hơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống mù lòa (PCML), Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Hiện cả nước có khoảng hơn 409.000 người mù cả 2 mắt, trong đó có 270.500 người mù do đục thủy tinh thể (chiếm 66,1 %). Đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mù lòa. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em mắc tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang rất đáng lo ngại, cả nước ước tính có 3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ, trong đó học sinh ở các thành phố lớn chiếm 40 -50 .
Trong khi tỷ lệ mù lòa còn khá cao thì công tác PCML còn gặp nhiều khó khăn như: cán bộ chăm sóc mắt so với nhu cầu còn thiếu; phân bố không đồng đều chủ yếu tập trung ở các thành phố và đồng bằng, nhiều tuyến huyện còn không có bác sỹ hoặc y sỹ, y tá chuyên khoa mắt để chăm sóc mắt cho nhân dân; mô hình chăm sóc mắt ở tuyến tỉnh và huyện còn quá cồng kềnh…
Để đạt được mục tiêu của Kế hoạch quốc gia PCML giai đoạn 2014 – 2019 % hướng đến là đẩy mạnh hoạt động giải phóng mù lòa, giảm tỷ lệ mù lòa có thể phòng tránh ở người từ 50 tuổi trở lên xuống 2,35 %; tập trung vào nguyên nhân gây mù có thể phòng tránh được... Ngành y tế cần xây dựng các chính sách quốc gia nhằm củng cố, phát triển và thực hiện chăm sóc mắt toàn diện nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo cán bộ chăm sóc mắt cho các tuyến huyện, tuyến tỉnh.
Được biết, ngành y tế phấn đấu đẩy nhanh tốc độ mổ thủy tinh thể với tỷ lệ 2.500- 3.000 ca/1 triệu dân; hạn chế biến chứng phẫu thuật; lập kế hoạch thanh toán bệnh mắt hột; đánh giá tình hình một số bệnh mới và có xu hướng gia tăng như: Tật khúc xạ trong học sinh, sinh viên; bệnh lý võng mạc đái tháo đường; bệnh glocom; thoái hóa hoàng điểm tuổi già; mù lòa trẻ em.