Hợp tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới (15/3) năm nay có chủ đề “Quyền của chúng ta, tiền của chúng ta” để hướng mọi người trở thành những người tiêu dùng (NTD) thông thái trước những vấn nạn đang diễn ra hàng ngày.


Luật chỉ dừng lại trên giấy


Mặc dù đã bước sang năm thứ 3 sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đi vào cuộc sống nhưng dường như NTD vẫn chưa thực sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, hoặc những người hiểu thì tâm lý e ngại vẫn đè nặng trở thành rào cản để họ thực thi những quyền lợi được hưởng.

 

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai thu giữ hàng giả.Ảnh: Quang quyết - TTXVN


Tại Khoản 2, Điều 42, Luật BVQLNTD có nêu rõ, khi mua và sử dụng phải sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chất lượng thì lỗi thuộc về nhà sản xuất và nhà sản xuất cũng như đơn vị bán hàng phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề của khách hàng. Dù vậy nhưng do hướng dẫn thực hiện còn nhiều hạn chế nên đến thời điểm này, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, vai trò của các tổ chức xã hội tham gia và hoạt động BVQLNTD nói chung và các tổ chức bảo vệ NTD nói riêng còn khá lúng túng.


Chị Đoàn Thanh Hương, nhân viên ngân hàng Navibank cho biết: Chị thường xuyên mua thực phẩm và rau sạch tại các cơ sở bán rau an toàn nhưng gần đây mới phát hiện các đơn vị này cũng lấy hàng cùng một nơi như các bà gánh rong ngoài chợ, sau đó về đóng gói lại rồi dán mác “rau an toàn”. Tuy vậy, chị Hương cũng như nhiều người khác cũng chỉ tặc lưỡi rồi lãng quên hàng rau sạch đó vì cho rằng: "Chuyện nhỏ, kiện cáo chỉ mất thêm thời gian”. Hay có những trường hợp khác khi mua hàng tại các trung tâm thương mại lớn, đặt hàng tại các shop online những sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng, nhưng khi nhận hàng thì mới rõ đó là hàng sản xuất tại Trung Quốc. Khi được hỏi thì các shop này giải thích đây là hàng Trung Quốc gia công xuất châu Âu. Nói thì vậy nhưng các chiêu trò làm nhái, làm giả hàng hiệu và thực hư ra sao thì đúng là "chỉ có trời mới biết được".


Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng: Nguyên nhân chính của việc Luật BVQLNTD chưa áp dụng được vào cuộc sống bởi công tác tuyên truyền luật đến với NTD còn nhiều hạn chế. Chỉ những chuyên gia mới hiểu rõ luật đưa ra 8 quyền lợi mà NTD được hưởng, trong khi đó ngay chính bản thân NTD lại không biết mình được hưởng những quyền lợi gì. Hơn nữa, chính bản thân những người thực thi pháp luật chưa thực sự "xắn tay” vào cuộc hoặc có vào cuộc thì quá chậm trễ, khiến NTD nản và thiếu niềm tin vào cơ quan chức năng.


Ông Nguyễn Phương Nam cũng đánh giá, NTD luôn là đối tượng được pháp luật bảo vệ, tuy nhiên kết quả của việc này chưa được như ý, còn thấp xa so với yêu cầu thực tiễn. Nguyên nhân chủ quan do lực lượng thực thi mỏng, còn thiếu chế tài đủ mạnh để có thể xử lý nghiêm và xóa bỏ được vấn nạn này. Về trình độ nghiệp vụ cũng chưa thể đạt mức chuyên nghiệp. Trong khi đó, trang thiết bị cũng còn sơ sài và thiếu. Hiệp hội bảo vệ NTD và Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng chưa thể phát huy hết chức năng, chủ yếu mới dừng ở việc hòa giải, thương lượng giữa các bên liên quan. Đồng thời, dư luận lại chưa tỏ rõ quan điểm, chưa thống nhất và tạo ra làn sóng đủ mạnh để lấn át và triệt tiêu các vụ vi phạm về quyền của NTD.


Đẩy mạnh tuyên truyền


Hưởng ứng ngày Quyền người tiêu dùng thế giới (15/3) năm nay, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã khai mạc chương trình “Hành động vì quyền người tiêu dùng” năm 2014 nhằm phát huy ý thức tôn trọng quyền NTD của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ NTD cũng kêu gọi các doanh nghiệp nên tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến Luật BVQLNTD đến đông đảo quần chúng nhân dân. Mỗi doanh nghiệp nên treo pano, áp phích ghi 8 quyền lợi NTD tại các điểm bán hàng... Cùng với đó, vấn đề cốt lõi phải là hoàn thiện cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ NTD xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương mà Sở Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài ra, cần tăng cường ý thức của cả người sản xuất - chế biến và tiêu thụ, tuyên truyền sự cần thiết chấp hành quy định của Nhà nước và khuyến khích sự phát hiện, đấu tranh với các vi phạm quyền của NTD trên diện rộng; nâng cao năng lực và kỹ thuật xét nghiệm, phân tích mẫu sản phẩm.

 

Uyên Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN