Nằm trên quốc lộ 26, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 10 km về phía đông, Buôn Kô Tam - buôn Văn hóa thuộc xã EaTu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận bao sự kiện trọng đại, cùng những chuyện rất đời thường mà đầy ý nghĩa.
Người dân Kô Tam vẫn lấy gương hiếu học của H’Ruih Êban để nhắc nhở con em mình mỗi dịp năm học mới.
Không quá lời khi nói rằng: “Cả thế giới đều cảm phục Osin - cô bé người Nhật Bản ở thời Thế chiến thứ II, mới 7 tuổi, đi ở, cõng con nhà chủ, chấp nhận nhịn ăn bữa trưa để được đến lớp học chữ.
Chuyện H’Ruih ÊBan quyết tâm đi học cũng gần như phiên bản của Osin vậy.
"H'Ruih Êban (phải) cùng bà mẹ nuôi H'Dít Êban trước thềm căn nhà hạnh phúc của mình. |
“Gần” là nói về hoàn cảnh.
Còn “như” là nói về ý chí, quyết tâm.
Osin; H’Ruih -hai con người: Một nhân vật Điện ảnh của Nhật Bản và một con người thật ở buôn thôn Kô Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam. Hai người cùng đến với con chữ khi 7 tuổi. Lần đầu tiên H‘Rruih đến trường là khi học sinh cả nước bước vào năm học thứ II dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. H’Ruih nhớ lại: “Buổi đầu thấy mấy đứa trẻ con trong buôn đi học, mình cũng theo đi. Mình xem chuyện học chữ như học cách chơi của một trò chơi mới nào đó để chơi cho vui vậy thôi. Nhưng đến lớp nghe thầy Y Như Êban đọc những con chữ có “Hai con Dê qua cầu... Có hai chị em Tấm, Cám…” thì mình thấy thích con chữ lắm.
H’Ruih chưa học được nhiều chữ, thì gặp một chuyện: Có người trong buôn nhận được giấy của Bưu điện gửi cho mà không biết đọc. Chữ ở cái giấy không giống chữ của cô giáo H’Yê Niê viết trên bảng, cũng không giống như chữ in ở sách giáo khoa, phải nhờ người ta đọc giúp, rồi nghe giải thích mới hiểu nữa. Chữ ở tờ giấy ấy là chữ đánh máy, những chữ ấy nói là “Đến Bưu điện nhận 20 đồng”. Đến Bưu điện nhận được 20 đồng và một cái thư chuyển tiền nữa. Cái thư ấy nói là: “Tôi là hàng xóm, tên Y J.. Mười năm trước, do đói quá nên đã lấy trộm hai con gà. Nay tôi biết sai rồi và không còn bị đói nữa, nhưng ở xa thì gửi tiền về trả!”
Chuyện ấy lan truyền khắp buôn, ai ai cũng đều biết hết. nhiều người nói: Hai mươi đồng khi ấy mua được 50 kg gạo ở cửa hàng Lương thực mậu dịch quốc doanh rồi, hai con gà không đổi được đâu.
Thế là H’Ruih nghĩ: “Con chữ quý nhiều lắm. Con chữ mang được lời nói của người này đến cho người kia ở xa. Con chữ nói được những lời mà cái miệng khó nói ra. Lời nói theo gió bay đi mất, phải nhờ con chữ cất giữ cho mới được. Con chữ nói có 20 đồng là có thật! Lời nói là có mà nhiều khi lại không!”
Do chị gái H’Driêo và mấy em con nhà dì không thích đi học, amí thương H’Ruih sau này lớn lên không giỏi việc của người phụ nữ ÊĐê, nên không muốn để H’Ruih đi học. Mới đầu là không muốn, sau thì không cho, sau nữa là cấm.
Đã mấy lần amí khóa cửa, mang hết đồ ăn đi ra rẫy. Amí nói: “Đi làm rẫy thì có ăn!” Đã mấy lần H’Ruih cũng khoác gùi đi theo. Nhưng vào một buổi, đi được một đoạn, H’Ruih thấy khát chữ quá, nhớ cô giáo nữa, nhớ các bạn nhiều, thương cuốn vở không có thêm chữ của cô giáo dạy nữa rồi. Mỗi bước đi càng thấy nhớ nhiều thì chân bước không nổi nữa. Thế rồi đôi chân nhỏ bé bước chậm dần và dừng lại hẳn. Cô bé quăng cái gùi sau lưng xuống, đạp cho hư và ngồi ôm mặt khóc hu hu. H’Ruih không nhớ là mình khóc bao lâu và không biết khóc vì lẽ gì. Khóc vì thương cái gùi, gùi là khối sinh tồn của người phụ nữ Ê Đê; Khóc vì không biết vâng lời amí, hay khóc vì không được đến trường. Không biết nữa! Có lẽ… vì tất cả.
Vừa khóc, vừa tất tả chạy. H’Ruih không biết là mình đang chạy trốn hay chạy đến, cũng chẳng nhớ là chạy nhanh hay chậm và khóc ít hay khóc nhiều nữa đâu. Mấy lần vấp té mà đầu ngón chân chảy máu rồi khô. Thương cho cái yên (váy) lấm lem, rách toạc nữa. Kệ nó vậy, cứ đến lớp trước dã. Học xong rồi, về nhà lấy kim chỉ may lại được thôi. Việc này H’Ruih làm tự được.
H’Ruih chẳng biết mình tới lớp với cái bụng đói cơm, khát chữ từ lúc nào và hết khóc mà chỉ cười. Đến giờ ra chơi cô giáo H’Yê Niê để ý thấy đứa trò nhỏ chăm ngoan với nét mặt buồn so, áo yên lem luốc, cứ ngồi ỳ tại chỗ. Cô giáo giật mình khi nhìn hai bàn chân tứa máu của H’Ruih. Cô hỏi thì trò òa khóc. Nghe em kể lại chuyện amí không cho đi học, đi học thì không được ăn. Thương H’Ruih, cô giáo cũng rớt nước mắt. Tan buổi học, cô đưa em về nhà mình ăn cơm. Cô nói: “Cơm nhà cô không có thức ăn ngon. Nếu H’Ruih không chê thì ở trông em giúp cô, rồi đi học luôn!” H’Ruih muốn trông em giúp cô, nhưng cũng ngại vì cô giáo nghèo, đang ở nhờ nhà người ta mà phải nuôi thêm mình nữa. Ngại thì có ngại rồi đó, nhưng HRuih cũng phải nghe theo lời cô giáo thôi.
Học thì phải có sách vở bút mực và cả dầu để thắp đèn nữa luôn. Mà tiền mua thì không xin ai được.
H’Ruih thấy ở trước cổng trường có nhiều người bán hàng quà, đồ ăn vặt cho học sinh. Lớp của H’Ruih nhiều đứa có tiền cũng mua. H’Riuh ra rẫy đào củ lang, củ mì (củ sắn), mang về luộc bán.
Chỉ khi đã hết mưa nhiều ngày thì các loại củ mới ngon. Đào được củ lang, củ mỳ ngon thì cực nhiều lắm. Bởi đất Bazan lâu ngày không có mưa, nắng gió cao nguyên lấy hết nước đi rồi.
Khi hết mùa thu củ thì thu quả: Quả bí, quả bầu, cây mía đều được H’Ruih cõng đi bán, chỉ chăm chú mua về những thứ cần thiết để giúp việc học được tốt hơn, mà chưa từng dám mua một que kem hoặc cái kẹo.
Amí thấy con H’Ruih nhà mình dại. Nó dại nhiều rồi. Phải biết lo đến cái ăn, cái mặc chứ. Có cái ăn, cái mặc thì mới sống được. Cấm, phải dứt khoát cấm thôi.
H’Ruih bị amí cấm không cho đi học một cách cương quyết.
Nhiều lần trước khi đi học và cả sau khi đi học về đều bị amí đánh đòn. “Dấu ấn” của một trong những trận đòn ấy là vết sẹo nơi cánh tay cầm bút đang còn đó…”.
Do những người lớn sống ở buôn Kô Tam đều biết chính xác: H’Ruih không phải là con đẻ của bà H’Dit ÊBan, nên bọn trẻ con trong buôn cũng đều biết hết luôn. Đã đôi lần H’Ruih bị bạn bè trêu chọc. H’Ruih về nhà khóc, hỏi: “Phải H’Ruih là con người ta không hả amí!”. Bà H’Dit giả đò làm giữ: “Đi học để nghe chuyện bậy thế thì không đi học nữa là phải rồi mà!” Bà H’Dit làm yên lòng con bằng cách đó, rồi bà tìm tới lũ trẻ con trong buôn đe nẹt: “Mấy đứa mày nói ra chuyện ấy mà con H’Ruih buồn, bỏ đi thì tội cho nó, là tao bắt đền đó!”
Vậy là H’Ruih láng máng biết về một điều gì đó xa xôi. Phải học mới tìm ra được cái điều mà nhiều người trong buôn nói là đúng, nhưng amí lại nói là không phải. Vậy là sao? Chỉ có con chữ mới nói chính xác: H’Ruid là con của hai liệt sỹ người Kinh, hay là con đẻ của amí.
Học lên lớp trên nữa thì H’Ruih hiểu rằng: Amí đánh đòn, không cho mình đi học là do amí thương chứ không phải amí ghét bỏ, nên H’Ruih càng ráng chăm học, những khi học bài xong thì chăm chỉ việc nhà, việc nương rẫy. Nhờ vậy mà H’Ruih đã đạt danh hiệu học sinh tiên tiến những năm tiểu học.
Năm cuối của THCS, H’Ruih còn đạt giải Nhất môn Nhảy cao trong Hội thi thể thao của phòng Giáo dục Buôn Ma Thuột.
Bài và ảnh: Hữu Hằng