Hưng Phú là một xã vùng sâu của huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Những năm trước, đời sống người dân xã Hưng Phú gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi năm, chỉ trồng được một vụ lúa, nhưng năng suất không cao.
Tuy nhiên từ khi đưa cây quýt đường vào trồng, cuộc sống của người dân nơi đây đã dần khởi sắc.
Theo nhiều hộ dân ở Hưng Phú, trước khi đưa cây quýt đường vào trồng thử nghiệm, cây tràm là cây chủ lực được trồng ở xứ này. Nhưng cây cừ tràm phải đợi 5–8 năm mới cho thu hoạch, mà lợi nhuận cũng chẳng được là bao.
Sau đó, một số hộ tiên phong trồng quýt đường và có hiệu quả, dần dần vườn tràm được cải tạo, lên liếp (luống) để trồng quýt đường. Sau 3 năm, quýt đường đã bắt đầu cho thu hoạch trái chiến (trái đợt đầu).
Sau vụ trái chiến là những vụ thu chính với lợi nhuận khá cao, vượt trội hơn tất cả các loại cây trồng ở vùng này.
Quýt đường Chanh Đa được chở đi tiêu thụ.
|
Giá quýt đường những ngày gần Tết đang tăng lên đã khiến những hộ dân trồng quýt ở 4 ấp Phương Bình 1, Phương Bình 2, Phương Hòa 1, Phương Hòa 2, xã Hưng Phú càng thêm phấn khởi, hứa hẹn một vụ mùa lãi cao.
Giá quýt đường được các thương lái đến thu mua tận vườn với giá đầu vụ là 8.000 đồng/kg, cao điểm mùa thu hoạch quýt giá bán lên đến 17.000 đồng/kg.
Hiện tại, diện tích trồng quýt đường của xã Hưng Phú đã tăng đến 2 ha, riêng trong năm 2010, diện tích trồng mới là 62 ha. Diện tích quýt đường tăng nhanh là do người dân thấy hiệu quả thu được rõ rệt từ cây này.
Tính trung bình, mỗi công đất 1.000m2 khoảng 60 gốc quýt, năng suất thu được không dưới 2 tấn, sau khi trừ chi phí, người trồng quýt thu lãi được từ 5-7 triệu đồng. Niên vụ năm 2010, nhiều hộ trồng quýt đường ở Hưng Phú đã thu lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Trong đó, gia đình anh Phạm Minh Tơ được xem là hộ đã vươn lên làm giàu từ cây quýt đường.
Ban đầu anh trồng quýt với diện tích 7.000m2, nhưng chỉ sau vụ thu hoạch đầu tiên, anh nhanh chóng phát triển diện tích lên đến 15.000m2. Niên vụ này anh đã thu hoạch được 25 tấn, trừ chi phí, thu lãi trên 100 trăm triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của anh, để trồng được quýt cho năng suất cao nhất, ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học để chăm sóc cây thì người trồng phải đặc biệt chú ý tới khoảng cách giữa các cây.
Một cây 5 năm tuổi có thể cho thu hoạch 1 triệu đồng/gốc nếu được trồng cách nhau 3,5 mét. Nhờ có kinh nghiệm, anh có thể cho quýt ra trái mùa quanh năm. Anh cho biết, trong thời gian tới sẽ mở rộng diện tích trồng quýt thêm nữa. Ngoài hộ của anh Tơ, nhiều hộ trồng quýt đường cũng bắt đầu khá giả hơn so với trước.
Quýt đường Hưng Phú có vị thơm ngọt, mọng nước và đã nhanh chóng khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường. Thương lái biết đến thương hiệu quýt đường nơi đây ngày càng nhiều. Không chỉ được các thương lái ở các tỉnh lân cận đến thu mua, quýt đường Hưng Phú còn được đưa lên Sài Gòn để bán, cũng như xuất khẩu đi các nước lân cận.
Để thương hiệu quýt đường Hưng Phú ngày càng nổi tiếng hơn, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Tú đã phối hợp với UBND xã Hưng Phú thành lập Tổ hợp tác – Cây ăn trái Hòa Bình ở ấp Hòa Bình 1 với 22 thành viên tham gia.
Mục tiêu trước mắt của Tổ hợp tác chính là giúp nhau về kinh nghiệm, khâu kỹ thuật trồng trọt. Sắp tới, quýt đường Hưng Phú sẽ được đăng ký thương hiệu trên thị trường với tên gọi: Quýt đường Hòa Bình.
Theo ông Trần Đức Thắng, Tổ trưởng Tổ hợp tác cây ăn trái Hòa Bình: Sản phẩm trái cây này đã được siêu thị Co.opMart Sóc Trăng ký hợp đồng mua. Theo đó, Tổ hợp tác sẽ cung ứng quýt đường quanh năm cho hệ thống siêu thị này.
Việc đăng ký thương hiệu cho Quýt đường Hòa Bình không chỉ góp phần quảng bá hơn nữa cho đặc sản nơi đây mà còn góp phần giúp người tiêu dùng không nhầm lẫn với quýt đường “nhái” ở các địa phương khác mà chất lượng chưa kiểm soát được.
Chanh Đa