Huyện biên giới Tây Giang đổi thay từng ngày 

Sau 15 năm tái lập, huyện miền núi biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) đã có nhiều đổi thay, đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, góp phần tạo lên phên dậu vững chắc của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Đại diện lãnh đạo huyện Tây Giang đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. 

Năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 72 về chia tách huyện Hiên thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang. Những ngày đầu mới thành lập, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Giang gặp vô vàn khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Tây Giang được biết đến như huyện không có đường giao thông, không có điện thắp sáng, không có chợ, vào mùa mưa nhiều xã ở vùng cao bị cô lập. 

Sau 15 năm phát triển, Tây Giang là địa phương miền núi đi đầu của tỉnh Quảng Nam về sắp xếp lại các khu dân cư gắn với quy hoạch phát triển vùng sản xuất, chăn nuôi. Hiện nay, huyện Tây Giang  đã có hệ thống giao thông thảm nhựa, bê tông về đến tận 10 xã và các bản làng với tổng chiều dài toàn tuyến là 392 km. Điện lưới cũng được kéo về các xã, mang ánh sáng văn minh và tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người của huyện Tây Giang tăng từ 1,4 triệu đồng/người/ năm khi mới tái lập lên 20 triệu đồng/người/năm hiện nay. Ngoài ra, mạng lưới cơ sở y tế, trường học của huyện cũng dần được đầu tư hoàn thiện. Trung tâm Y tế huyện Tây Giang hiện là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đà Nẵng, không chỉ chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương mà còn cho người dân nước bạn Lào ở phía bên kia biên giới. 

Bên cạnh những kết quả về phát triển kinh tế, huyện Tây Giang cũng chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu; xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu như không còn cưới gả con nhỏ đòi của, không lấy nhau cận huyết thống, không đâm trâu, bò trong các lễ hội… Đồng thời, Tây Giang còn là địa phương vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh trên dãy Trường Sơn, trong đó có 1.7 cây được công nhận cây di sản quốc gia. 

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bríu Liếc cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, lấy mục tiêu phát triển con người, văn hóa làng, văn hóa giữ rừng làm động lực tinh thần để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của huyện. Huyện tập trung đầu tư phát triển trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, trồng cây dược liệu, nông nghiệp sạch, dịch vụ du lịch khám phá, phát triển chăn nuôi tập trung để xây dựng Tây Giang trở thành huyện phát triển nhanh và bền vững nơi vùng biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: Đỗ Trưởng  (TTXVN )
Diện mạo mới ở huyện miền núi Tây Giang
Diện mạo mới ở huyện miền núi Tây Giang

Dọc theo những tuyến đường của huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có thể dễ dàng bắt gặp những bản làng của đồng bào các dân tộc được bố trí tập trung, với hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ, đang thực sự làm thay đổi cuộc sống của đồng bào vùng cao nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN