Sau 10 năm tái lập (2002-2012), đến nay huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhờ đã phát huy tốt các thế mạnh của địa phương.
“Cá nghìn đô”
Kon Plông đang là mảnh đất “vàng” của cá tầm, một loại cá quý, có giá trị kinh tế cao. Đặc thù thổ nhưỡng lý tưởng, mát mẻ, phù hợp với điều kiện sống của cá tầm (khoảng 19-23 độ), nên sau 3 năm triển khai, loại cá “nghìn đô” này đã có chỗ đứng vững chắc ở Kon Plông.
Cá tầm - loại cá có giá trị kinh tế cao đang được nuôi tại Kon Plông. |
Theo ông Đặng Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Việc nuôi cá tầm thành công đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện.
Hiện tại, người nuôi cá tầm ở huyện không những chủ động được kỹ thuật, mà cả thức ăn, con giống. Cá giống bước đầu đã xuất bán cho các tỉnh khác trong khu vực như Đắk Nông, Đà Lạt… Để cá tầm đến được với người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện Kon Plông đã hình thành 4 hợp tác xã nuôi cá tầm ở trong dân. Theo đó, huyện hỗ trợ cho vay không lãi 200 triệu đồng/hợp tác xã, hộ nghèo được tạo điều kiện vay vốn từ ngân hàng để góp thêm vốn vào hợp tác xã. Kỹ thuật nuôi cá được huyện và các doanh nghiệp nuôi cá tầm hướng dẫn cho người dân nuôi. Hiện tại mỗi kg cá tầm có giá bán từ 500.000 - 600.000 đồng, trứng cá thì khoảng 30 triệu đồng/kg, trong khi nhu cầu thị trường rất lớn.
Ngoài ra, Kon Plông cũng là địa phương còn lưu giữ được nhiều loại cá quý, ngon, bổ, có giá trị kinh tế như cá niêng, cá trình. Những năm qua huyện còn phát triển thêm cá hồi….
Tiềm năng Măng Đen...
Được xem là "Đà Lạt thứ hai" nên huyện Kon Plông cũng xác định cho mình hướng đến du lịch sinh thái. Chính phủ đã thống nhất đưa khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen của huyện vào quy hoạch du lịch Việt Nam. So với các danh thắng khác có điều kiện tương tự như Đà Lạt hay Sa Pa thì Măng Đen sở hữu nhiều cánh rừng già nguyên sinh. Đến với Măng Đen, du khách sẽ bắt gặp nét hoang sơ của một cao nguyên hùng vĩ với độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển. Ở đây khí hậu quanh năm se lạnh, có nhiều điểm du lịch như hồ nước Kot, Toong Zơri, Toong Pô, Toong Đam; nhiều suối thác nổi tiếng như Đăk Ke, Lô Ba, thác Pau Sủ hay cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ, kết hợp với những nét văn hóa truyền thống với cồng chiêng, nhà rông....
Xen giữa nét hoang sơ, hùng vĩ trên là hàng trăm căn biệt thự được xây dựng xen lẫn giữa rừng thông bạt ngàn. Ông Nguyễn Đức Tuy - Bí thư Huyện ủy, cho biết: Thời gian tới Kon Plông sẽ tiếp tục khai thác triệt để các ưu thế về khí hậu, cảnh quang thiên nhiên của khu du lịch sinh thái Măng Đen. Huyện chú trọng phát triển du lịch như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi gắn với cảnh quan thiên nhiên, du lịch lễ hội, văn hóa, lịch sử. Sẽ phát triển thêm các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... Đã có 72 dự án đăng ký đầu tư vào khu du lịch sinh thái Măng Đen với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 2.645 tỷ đồng...
Ngoài ra, huyện Kon Plông tập trung phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực có tính đặc thù nhằm tạo ra một số sản phẩm có giá trị, chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế như: Rau, hoa xứ lạnh, tổ chức trồng dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn và phát triển cây sim... Kết quả thử nghiệm một số mô hình như trồng hoa ly, địa lan, hồ điệp, anh đào, mi mô sa, cải thảo, chanh dây, các loại rau rừng... đã được khẳng định về chất lượng, sự phát triển và hiệu quả kinh tế. Huyện cũng đã thành lập hợp tác xã rau hoa xứ lạnh Măng Đen đầu tiên của tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Ban, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: Trước mắt, hợp tác xã sẽ xây dựng nhà kính có diện tích 3.000 m2, 1.000 m2 nhà lưới để dùng trong trồng trọt và sản xuất. Ngay trong năm 2012, hợp tác xã đã có kế hoạch trồng các loại rau đặc sản như khổ qua, dưa leo, ớt chuông… cùng hàng chục nghìn cây hoa lư, hoa lan hay dâu tây nhằm cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay, cũng đã có 32 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào lĩnh vực rau, hoa, quả xứ lạnh với số vốn là 9 tỷ đồng.
Bài và ảnh: Hoàng Cao Nguyên