Gia đình ông Đặng Văn Tri, ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh có 1,8 ha đất trồng mía dọc Quốc lộ 29. Do cây mía lưu gốc nhiều năm đã cỗi, năng suất thấp nên niên vụ này ông Tri quyết định đào bỏ gốc trồng mới.
Những năm trước, thời tiết thuận lợi chỉ cần một vài cơn mưa, độ ẩm trong đất đủ mía giống sẽ tự nảy mầm phát triển nhanh không cần phải tưới. Thế nhưng, năm nay nắng hạn kéo dài, đã nhiều tháng không có mưa, ruộng mía mới trồng của gia đình ông cũng đã nảy chồi, lá non, nhưng chậm phát triển, nhiều diện tích đang bị vàng lá, khô héo dần.
Xót xa trước những thân mía non đang quay quắt, chết khô dần do nắng hạn, những ngày này ông Tri đã thuê nhân công dùng xe tải và xe công nông xin nước từ các ao hồ của người dân trong xã, chở đến tận ruộng cứu cây mía.
Ông Tri chia sẻ: “Xe tải không phải là xe chuyên dụng để chở nước nên tôi sử dụng bạt lót thùng xe chở nước đến Quốc lộ 29, sau đó dùng ống dẫn nối từ thùng xe tưới cho ruộng mía. Với sáng kiến này, ruộng mía 1,8 ha của gia đình chỉ phải chi phí hơn 30 triệu đồng để vận chuyển nước thuê công tưới. Cây mía được tưới nước sẽ phát triển tốt, thu hoạch năm đầu tiên sẽ bù được chi phí đầu tư, các năm tiếp theo sẽ có lãi. Còn nếu cứ bỏ hoang ruộng do khô hạn gia đình sẽ thiệt hại nhiều hơn vì không có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống trong những năm tới”.
Tại huyện miền núi Sơn Hòa, địa phương có khoảng 13.000 ha đất trồng mía. Những năm trước, vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 mía đã thu hoạch xong bán cho các nhà máy, nông dân tiến hành làm đất để trồng vụ mới, thế nhưng vụ này hàng nghìn ha đất trồng mía tại các xã trong huyện vẫn chưa được xuống giống và bỏ hoang.
Để hỗ trợ nông dân, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ cây mía ở huyện Sơn Hòa đã có nhiều biện pháp đồng hành hỗ trợ cho người nông dân. Vụ mía năm nay, ngoài các chính sách hỗ trợ về phân bón, KCP còn đầu tư vốn để người dân chủ động nguồn nước tưới cứu mía.
Anh Nguyễn Văn Luân, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa cho biết, gia đình có 4 ha mía đã xuống giống gần hai tháng, diện tích này gia đình đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho Công ty KCB.
Ngay từ đầu vụ, gia đình được công ty hỗ trợ vốn không tính lãi đầu tư hệ thống giếng khoan, ống bơm, bét tưới tại vườn mía. Chỉ với kinh phí 30 triệu đồng đầu tư giếng khoan do công ty hỗ trợ, gia đình anh Luân đã chủ động được nước tưới cho cây mía không chỉ vụ này mà còn những vụ tiếp theo. Cây mía có nước tưới nên phát triển xanh tốt hơn so với những năm trước.
Ông K. Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết, đơn vị hợp đồng bao tiêu 6.000 ha mía tại huyện Sơn Hòa, do nắng hạn nên đến nay người dân trong huyện mới chỉ xuống giống được hơn 2.000 ha. Bên cạnh việc đầu tư nguồn vốn để nông dân cải tạo ao, hồ, khoan giếng tìm kiếm nguồn nước tưới mía, chống hạn, công ty còn triển khai nhiều chính sách khuyến khích người trồng mía như: sẽ thưởng thêm 50.000 đồng/tấn mía đối với những diện tích mía có năng suất đạt 70 tấn/ha, không tính lãi suất đầu tư phân, giống và tiền mặt nằm trong chính sách đầu tư của công ty.
Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa, niên vụ mía năm 2019-2020 do nắng hạn khiến trên 50% diện tích mía tại huyện năng suất thấp, sản lượng chỉ đạt từ 30-50 tấn/ha, giảm gần một nửa năng suất so với các vụ mía trước đó. Chi phí cao, nhân công thu hoạch mía khó, giá mía thấp, nhiều người trồng mía hòa vốn, có hộ bị thua lỗ. Mặc dù địa phương có diện tích mía lớn 13.000 ha nhưng chỉ 10% diện tích mía có nước tưới thường xuyên, phần lớn chờ nguồn nước mưa. Trong điều kiện khô hạn kéo dài, có sự hỗ trợ kịp thời của các doanh nghiệp giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân trên địa bàn.
Cũng như cây mía, hàng trăm ha cây trồng như sắn, cà phê, cao su ở các huyện miền núi Phú Yên cũng đang thiếu nước tưới nghiêm trọng do nắng hạn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, Đào Lý Nhĩ cho biết, vụ Hè Thu năm 2020 này, tình trạng khô hạn, thiếu nước tại tỉnh đã được nhận định tương đương hoặc cao hơn mùa khô năm 2019 (khoảng 10%). Do đó, dự báo toàn tỉnh có khoảng 11.000 ha, 35.000 ha cây (mía sắn, ngô, rau đậu) các loại bị ảnh hưởng và thiếu nước tưới.
Tỉnh đã mở nước từ hệ thống Đập thủy nông Đồng Cam, để các địa phương có nguồn nước sản xuất lúa vụ Hè Thu. Đối với diện tích cây trồng như mía, sắn ở các huyện miền núi nơi gặp khó khăn về nguồn nước phải nhờ nguồn nước trời. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo Phòng nông nghiệp các địa phương triển khai các phương án phòng chống hạn, đồng thời khuyến cáo người dân tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới tiết kiệm nước, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn, thích nghi với biến đổi của khí hậu.