Ngày 14/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cam kết Tehran "sẽ không bao giờ tìm kiếm một vũ khí hạt nhân" cho dù có hay không có việc thực thi thỏa thuận hạt nhân mà nước này vừa đạt được với nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức).
Ngày 14/7, trong bài phát biểu tại Tehran sau khi Iran đạt được thỏa thuận với nhóm P5+1, Tổng thống Iran tuyên bố thỏa thuận sẽ mở ra “một chân trời mới” trong quan hệ giữa nước này với cộng đồng quốc tế. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh loại vũ khí này đi ngược lại tôn giáo của Iran và và trái với một sắc lệnh của lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, trong đó cấm theo đuổi việc phát triển bom nguyên tử.
Ông Rouhani cũng khẳng định việc đạt được một thỏa thuận mang tính "lịch sử" với 6 cường quốc thế giới là "sự khởi đầu" cho lòng tin. Ông nói: "Nếu thỏa thuận này được thực hiện một cách nghiêm túc, chúng ta có thể dần dần loại bỏ được sự ngờ vực".
Bên cạnh đó, ông Rouhani còn cho rằng thỏa thuận cùng có lợi nói trên sẽ mở ra chương mới trong quan hệ giữa Tehran với thế giới bên ngoài sau nhiều năm hứng chịu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Tiếp tục dư luận quốc tế, Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng ngày đã hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1, đổng thời hối thúc Tehran hỗ trợ các cường quốc giải quyết cuộc xung đột tại Syria.
Phát biểu nhân ngày Quốc khánh Pháp (14/7), ông Hollande nhấn mạnh việc đạt được thỏa thuận trên là một điều rất quan trọng và cho rằng "thế giới đang tiến bộ". Tuy nhiên, người đứng đầu nước Pháp cũng khẳng định nếu Iran vi phạm thỏa thuận, Paris có thể sẽ tái áp đặt trừng phạt đối với nước này.
Trong khi đó, giới chức Mỹ lại có những ý kiến trái chiều về thỏa thuận trên. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 là một bước tránh xa khỏi nguy cơ xung đột.
Trả lời câu hỏi về kế hoạch của Nhà Trắng trong trường hợp Quốc hội Mỹ bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với quyền phủ quyết của đa số, Ngoại trưởng Kerry nói: "Tôi thực sự không cho rằng mọi người sẽ quay lưng lại với một thỏa thuận bao gồm những biện pháp đặc biệt này, theo đó tôn trọng chương trình của Iran cũng như việc tiếp cận và xác minh (về chương trình hạt nhân)".
Lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết đã thảo luận với Tổng thống Barack Obama về thỏa thuận đạt được với Iran, đồng thời khẳng định Quốc hội sẽ xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận này.
Về phần mình, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cho rằng thỏa thuận trên sẽ ngăn cản Iran có được vũ khí hạt nhân và duy trì sức ép với việc Tehran hỗ trợ khủng bố cũng như "các hoạt động gây bất ổn khác".
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa Ed Royce lại chỉ trích thỏa thuận hạt nhân, cho rằng thỏa thuận không bắt buộc Iran từ bỏ công nghệ chế tạo bom và sẽ cho phép nước này phát triển một chương trình hạt nhân được công nghiệp hóa trong vòng 10 năm.
Về phần mình, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết thỏa thuận hạt nhân "tồi tệ" mới đạt được với Iran sẽ "làm mọi việc tồi tệ hơn". Chủ tịch Hạ viện John Boehner thậm chí còn cảnh báo thỏa thuận mới được công bố sẽ châm ngòi cho "cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân".