Hãng tin bán chính thức Fars cho biết Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức) sẽ tổ chức cuộc đàm phán toàn diện tại trụ sở Liên hợp quốc ở Vienna (Áo) vào lúc 8 giờ GMT ngày 14/7 (15 giờ chiều Việt Nam).
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trả lời phỏng vấn sau cuộc đàm phán tại Vienna ngày 10/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cuộc đàm phán này sẽ tập trung thảo luận về một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng, theo đó sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Trước đó, một quan chức Mỹ giấu tên cho hay Nhóm P5+1 đã kết thúc cuộc họp kéo dài chỉ hơn 1 giờ đồng hồ tìm cách thương thảo để đạt được một thỏa thuận nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Theo nguồn tin này, Iran đã không tham gia cuộc họp trên.
Iran ký hợp đồng xây dựng tuyến đường ống dẫn khí trị giá 2,3 tỷ USDTrong một diễn biến khác, ngày 13/7, các công ty của Iran đã ký kết một thỏa thuận trị giá 2,3 tỷ USD nhằm xây dựng 1.300 km đường ống dẫn khí giúp xuất khẩu khí đốt sang các nước khu vực và châu Âu trong tương lai gần.
Dự án đường ống dẫn khí Trunkline-6 (IGAT-6) từ mỏ khổng lồ South Pars sẽ góp phần đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu của Iran sang các quốc gia láng giềng trong đó có Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.
Công ty phát triển và ứng dụng công nghệ khí đốt Iran (IGEDC) và Công ty phát triển năng lượng Pasargad đã ký kết một hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), theo đó các bên tham gia dự án sẽ cung cấp 25% tài chính, trong khi Quỹ phát triển quốc gia của Iran đảm trách phần còn lại.
Hãng thông tấn Mehr của Iran đưa tin việc trả nợ sẽ lấy từ nguồn thu xuất khẩu khí đốt tới Iraq, khu vực người Kurd của Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Hợp đồng bao gồm xây dựng 590 km đường ống ở khu vực biên giới với giữa Iran với Iraq cùng với 5 trạm nén khí trong thời hạn 2 năm.
Giám đốc điều hành IGEDC Alireza Gharibi cho biết xuất khẩu khí đốt của Iran tới Iraq sắp tới sẽ được triển khai trên hai tuyến đường ống nối với Baghdad và Basra.
Ban đầu, Iran dự kiến cung cấp khoảng 4 triệu m3 khí mỗi ngày cho Iraq, tuy nhiên sau đó Tehran đã phải nâng sản lượng xuất khẩu lên mức 35 triệu m3/ngày để cung cấp năng lượng cho ba nhà máy phát điện của Iraq.