Từ sự so sánh trực quan và nôm na của tư duy dân gian, đã tạo nên thành ngữ tham bát bỏ mâm mang một ý nghĩa sâu sắc : Bát chỉ là phần nhỏ nằm trong mâm cỗ lớn, thế mà có người lại cố giành lấy bát, quên rằng mâm cỗ còn nhiều hơn, còn to hơn, âu cũng là tư tưởng tầm thường , được miếng nào hay miếng nấy, không biết nhìn xa trông rộng.
Vì lẽ đó, thành ngữ “tham bát bỏ mâm” thường được dùng để phê phán cách nhìn thiển cận, cách làm ăn manh mún, thiếu tính toán, đôi khi chỉ vì tham những lợi lộc nhỏ mọn trước mắt mà bỏ qua những nguồn lợi lâu dài, to lớn hơn. Cũng với ý nghĩa đó, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của chúng ta hiện nay, có bỏ được tư tưởng tham bát bỏ mâm thì mới có thể tiếp cận được lối làm ăn lớn .
Thành ngữ tham bát bỏ mâm còn có các biến thể như tham đĩa bỏ mâm, tham miếng bỏ bát.
“Giữ dân làm gốc, chớ mong đục nước béo cò
Nuôi sức đợi thời, đừng có tham miếng bỏ bát”
(“Văn 11”, tập 1, tr.101 - NXBGD 1987)
Ngoài ra, trong tiếng Việt, gần nghĩa với tham bát bỏ mâm còn có thành ngữ “tham bong bóng bỏ bọng trâu”.
Trọng Nhân