Kết thúc kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Thí sinh vẫn thờ ơ với cao đẳng

Hơn 236.000 thí sinh dự thi cao đẳng (CĐ) đã hoàn thành môn thi cuối vào sáng qua (16/7), khép lại kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Bên cạnh những “điểm sáng” về đề thi, công tác coi thi được xã hội đánh giá cao, thì năm nay, số thí sinh dự thi CĐ giảm mạnh. Phải chăng, thí sinh ngày càng thờ ơ với việc học CĐ?

Đề thi gây hứng thú


Trong kì thi tuyển sinh vừa qua, việc ra đề thi của Bộ GD-ĐT đã có nhiều cải tiến, nhất là ở các môn thi xã hội, nhằm khơi gợi sự sáng tạo của thí sinh, thay vì chỉ là những kiến thức học thuộc lòng trong sách giáo khoa. Cải tiến này đã được xã hội ghi nhận và ủng hộ.

Kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã kết thúc với những ấn tượng tốt đẹp về đề thi của các môn xã hội.Ảnh: Minh Quyết – TTXVN


Nếu như đề thi CĐ môn Địa lí ngày 15/7 bàn đến vấn đề thời sự biển đảo thì đề thi Văn khối C, D lại yêu cầu thí sinh bàn về ý kiến: “Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi”. Trước đó, trong đợt thi ĐH, đề thi Văn ở cả 2 khối C và D đều có nội dung bàn luận về một nét tính cách của người Việt. Dạng đề thì này đã giúp thí sinh bộc lộ được quan điểm cá nhân của mình. Rõ ràng với cách ra đề này, thí sinh không thể học vẹt mà phải vận dụng những kiến thức được học, kết hợp với kiến thức xã hội và sự sáng tạo của mình để làm bài.


Kết thúc môn thi Văn hôm qua, các thí sinh dự thi CĐ đều tỏ ra phấn khởi với đề thi, đặc biệt là câu nghị luận xã hội. Thí sinh Nguyễn Hoàng Mai, dự thi khối D vào trường CĐ Tài chính Hải quan TP Hồ Chí Minh hào hứng nói: “Em thấy đề thi Văn hay. Câu nghị luận xã hội rất thiết thực với đời sống, không đơn giản là một câu để làm bài thi mà còn giúp chúng em biết nhìn nhận lại bản thân mình”. Còn thí sinh Đào Ngọc Trâm, thi vào Khoa Giáo dục Tiểu học, CĐ Sư phạm TW (Hà Nội) chia sẻ: “Em rút kinh nghiệm từ đợt thi ĐH nên viết ngắn và cụ thể hơn. Trong bài, em nêu những dẫn chứng cụ thể và kêu gọi mọi người hãy sống thật tốt, thật tử tế”.


Nhận xét về những câu hỏi mở, mang tính giáo dục nhân cách học sinh trong đề thi Văn năm nay, thầy Nguyễn Trúc Loan, giáo viên Trung tâm Luyện thi ĐH Miền Đông – Sài Gòn, cho rằng, học tập là để hướng tới cuộc sống đời thực của con người, giúp con người hạnh phúc, thành công hơn. Xu hướng đề thi cũng như các vấn đề mà câu nghị luận xã hội đưa ra chính là hơi thở cuộc sống. Vì vậy, khi ôn thi, thí sinh cần lưu ý về các vấn đề đời sống, học cách cảm thụ cuộc sống. “Đề thi những năm gần đây thấm đượm tính giáo dục, tính thời sự, sự trăn trở của xã hội trong mỗi câu chữ của đề thi”, thầy Loan nói.

 

Thí sinh thờ ơ với cao đẳng


Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, số thí sinh đăng kí dự thi CĐ năm nay là 341.612, giảm mạnh so với 408.391 hồ sơ năm 2012. Đó là chưa kể, số hồ sơ ảo chiếm khá cao. Tổng kết sau đợt thi CĐ vừa rồi, số thí sinh đến dự thi thực chỉ là 236.400, chiếm 67,07%. Mặt khác, một số thí sinh dù trúng tuyển CĐ cũng chưa chắc đã theo học vì các em còn thi nhiều trường ĐH khác, trường CĐ chỉ như một giải pháp tình thế của các em khi “sa chân lỡ bước” trượt ĐH. Như Tôn Khánh, một thí sinh tại Hà Nội chia sẻ, em thi Học viện Ngân hàng và ĐH Nông nghiệp, đồng thời thi CĐ Sư phạm Hà Nội do mong muốn của gia đình, chứ bản thân em cũng không thích học CĐ.


Ghi nhận tại các trường CĐ cũng cho thấy, các trường đang phải rất khó khăn trong việc tuyển sinh. Năm nay, có trường giảm tới 70% thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT). Như trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội có 750 chỉ tiêu khối A nhưng số thí sinh đến dự thi chỉ là hơn 900, đạt tỷ lệ 51,17%. Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội giảm đến 70% số hồ sơ ĐKDT và số thí sinh đến dự thi cũng chỉ đạt khoảng 50%.


Lý giải điều này, nhiều ý kiến cho rằng, năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng quy định mới về đào tạo ĐH liên thông (theo Thông tư 55). Theo đó, sinh viên tốt nghiệp CĐ chưa đủ 36 tháng, nếu muốn học liên thông lên ĐH thì phải thi đầu vào như học sinh THPT trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Nếu không, thí sinh phải đợi đúng 3 năm sau khi tốt nghiệp CĐ mới được học liên thông lên ĐH. Theo bà Nguyễn Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo, CĐ Điện tử - Điện lạnh, nếu thi trượt, nhiều em có xu hướng ở nhà ôn tập thêm 1 năm để thi vào ĐH chứ không học lên bằng con đường CĐ nữa.


Về phía Bộ GD-ĐT, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng, bên cạnh một số trường giảm sút số lượng thí sinh thì vẫn có khá nhiều trường không bị giảm số lượng thí sinh dự thi. Đó là do chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội. Vì vậy, các trường CĐ muốn “tồn tại” chỉ có cách nâng cao chất lượng đào tạo và đi đúng với nhu cầu thực tế của xã hội. Đồng quan điểm này, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc cho biết: “Qua quá trình thanh tra, chúng tôi thấy không ít trường hợp các trường gọi thí sinh nhập học nhưng thí sinh không đến, chứ không phải là các trường không được gọi thí sinh. Như vậy, các trường CĐ không tuyển đủ chỉ tiêu không chỉ vì lí do điểm sàn, mà còn bởi người học đã nhận thức được học để có kiến thức ra trường đi làm và đơn vị nào đào tạo có chất lượng thì người ta mới học”.


Ngay trong 2 đợt thi ĐH vừa qua, đã có nhiều thí sinh tốt nghiệp CĐ dự thi để xét liên thông lên ĐH. Theo ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đợt thi ĐH năm nay, Bộ đã bổ sung đối tượng dự thi liên thông. “Đã dự thi theo hình thức “ba chung” thì thí sinh vẫn phải tuân thủ quy định điểm sàn. Còn điểm trúng tuyển hệ chính quy hay hệ liên thông là do các trường tự xác định, dựa trên cơ sở là kết quả thi của các em và chỉ tiêu tuyển sinh của trường”, ông Khôi nói.


Hoàng Dương - Đan Phương - Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN