Hàng trăm hộ dân ở xã Thanh Vinh và phường Châu Phong, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, hiện vẫn ngày đêm gồng mình hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường khói, bụi do Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà gây ra.
Người dân "lĩnh đủ"
Năm 2011 Công ty Thanh Hà đưa vào hoạt động lò đốt cao su (săm lốp đã qua sử dụng) để chiết xuất thành dầu công nghiệp dùng nung gạch ốp lát, gạch men, thay cho nguyên liệu than đốt. Cũng vì công nghệ được coi là "mới và hiện đại" này, mà hàng trăm hộ dân ở phường Châu Phong và xã Thanh Vinh phải hứng chịu khói, bụi thải ra, ảnh hưởng sức khỏe, nhiều diện tích hoa màu bỏ hoang.
Cao su cũ là nguyên liệu Công ty Thanh Hà dùng để đốt lò. Ảnh: CTV |
Ông Chu Phú Ích, Trưởng khu 6, bức xúc: "Người dân chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên cấp trên và trình bày ở những buổi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, sau mỗi lần kiến nghị thì người dân chỉ biết chờ và đợi".
Còn ông Nguyễn Xuân Điệp, Trưởng khu 7, cho biết: Không khí, khói bụi đã làm nhiều diện tích hoa màu bị chết, táp lá. Một số hộ trong khu còn bị ảnh hưởng đến cả nguồn nước sản xuất như trường hợp của hộ ông bà Mạnh Hải bị dầu đốt của công ty tràn ra khiến cá chết hàng loạt, 25 gốc vải không ra quả... Đấu tranh mãi, công ty mới đền bù cho 5 triệu đồng. Ông Điệp cho biết thêm, hiện khói và bụi từ việc đốt cao su vẫn đang gây ô nhiễm trầm trọng.
Việc ô nhiễm môi trường khói, bụi do Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà gây ra gần 2 năm nay, và các cấp chính quyền từ xã đến huyện, thậm chí cả UBND tỉnh Phú Thọ đều biết. Thế nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Ngọc Thanh, Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Phú Thọ, cho biết: Việc Công ty Thanh Hà gây ô nhiễm môi trường nhiều năm qua là có thật. Phòng đã nhiều lần lập biên bản và yêu cầu công ty phải nhanh chóng khắc phục. Còn về mức độ ô nhiễm như thế nào, đến đâu, thì phòng không đủ phương tiện để kiểm tra. Ngày 26/10/2012, Thanh tra Sở, Trung tâm quan trắc và bảo vệ môi trường cùng đại diện xã, thị xã và công ty xuống lấy một số mẫu nước, đất về xét nghiệm, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Đồng quan điểm với ông Thanh, ông Đoàn Kim Nho - Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, cho rằng, ô nhiễm môi trường khói, bụi do công ty Thanh Hà gây ra kéo dài nhiều năm nay không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân ở Thanh Vinh, mà còn làm ô nhiễm thị xã.
Khắc phục... như “ném đá ao bèo”
Ông Hà Thế Vượng, Chủ tịch UBND xã Thanh Vinh, cho biết: Xã đã nhiều lần phối hợp với các ngành cấp trên liên quan kiểm tra, lập biên bản, đề nghị Công ty Thanh Hà xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do công ty gây ra nhưng đến nay ô nhiễm này ngày một nặng hơn.
Ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Công ty Thanh Hà cũng thừa nhận: Việc khói, bụi bay vào khu dân cư là có thật như kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, ông này cho rằng: Khói không phải là khói của lò đốt cao su mà là khói của củi đốt lò, và khói này... không làm ảnh hưởng đến môi trường. Còn bụi thì thuyệt đối không có bởi lẽ cao su khi đốt được cho vào lò nhiệt phân và hoạt động trong một quy trình khép kín nên bụi không thể bay ra ngoài... Trong quá trình đốt cao su trong lò có thể đốt không hết, khí gas của lò bay ra ngoài nên mới có mùi gas, chứ hoàn toàn không phải khói có mùi khét như người dân kiến nghị (?!).
Trước thực trạng trên, tháng 9/2012 UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết định xử phạt hành chính do công ty không thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, xả nước thải vượt tiêu chuẩn, đồng thời đình chỉ ngay hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Công ty Thanh Hà đã khắc phục bằng cách nâng cao ống khói thải, xây cao tường rào và trồng thêm cây xanh.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng việc khắc phục này chỉ mang tính chất “đối phó”. Người dân vẫn mong chờ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường khói, bụi do Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà.
Tạ Văn Toàn