Mặc dù được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch, thế nhưng du lịch ĐBSCL vẫn có nhiều ý kiến cho rằng còn yếu kém.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa, Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ TP Hồ Chí Minh:
Còn nhiều bất cập
Tôi nghĩ ở ĐBSCL các điểm du lịch rất phong phú. Thế nhưng, tại sao không phát triển tốt du lịch ở đây? Thứ nhất, do sự đầu tư không đến nơi đến chốn, thứ nhì là công tác quảng bá không nhiều và điều quan trọng nhất là mạnh ai nấy làm. Mặc dù Hiệp hội du lịch ĐBSCL đã có những chương trình liên tuyến giữa các tỉnh hợp tác với nhau, ví dụ là Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau... nhưng tôi có cảm giác rằng nó cũng chưa phát huy được. Qua tham dự nhiều hội nghị xúc tiến du lịch, tôi thấy các tỉnh mặc dù vẫn nêu bật yếu tố liên kết nhưng thực chất vẫn tồn tại suy nghĩ cục bộ, chỉ muốn thu hút du khách đến tỉnh mình. Đó là nguyên nhân dẫn đến ngành du lịch của vùng chậm phát triển.
Mặt khác, những đặc trưng, sản phẩm du lịch đặc thù riêng của từng tỉnh cũng chưa được quan tâm. Hiện nay các sản phẩm du lịch của các tỉnh đều na ná với nhau. Nguyên nhân này xuất phát từ việc đầu tư manh mún và bắt chước nhau giữa các tỉnh. Để khắc phục điều này, tôi nghĩ rằng những tour liên tuyến phải thực sự đa dạng, vì không thể nào du khách đi một hai ngày nhưng chỉ đến một điểm rồi về mà phải phát triển liên tuyến từ tỉnh này đến tỉnh khác. Điều quan trọng là sản phẩm du lịch phải phong phú, chẳng hạn như liên tuyến từ An Giang xuống Kiên Giang rất là hay, vì An Giang có du lịch tâm linh, rừng nguyên sinh còn Kiên Giang sẽ thăm thú biển đảo. Những tour như vậy rất hấp dẫn du khách.
Tôi nghĩ rằng, ĐBSCL có những khu vực như Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long mặc dù là giống nhau nhưng vẫn có thể khai thác thành liên tuyến du lịch được nếu như những tỉnh này tạo ra những sản phẩm đặc trưng. Chẳng hạn như cây trái nghịch mùa để du khách đến bất cứ lúc nào cũng có sản vật, tại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) rất cần những trạm dừng chân để du khách mua trái cây đặc sản, đi vệ sinh, ngắm cảnh, chụp ảnh... mặc dù khi đến chợ nổi, du khách rất thích thú nhưng sẽ chưa trọn vẹn khi không có những sản phẩm du lịch nói trên đi kèm.
Tôi mong muốn rằng, bằng biện pháp quảng bá, tạo mặt bằng giá cả du lịch hợp lý và quan trọng là tập trung đầu tư mang đậm đặc trưng riêng của từng tỉnh là những gì mà bộ, ngành trung ương, các tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong thời gian tới. Trong đó, quan trọng nữa là các tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến phát triển các sản phẩm du lịch liên kết vì quyền lợi chung của cả vùng ĐBSCL. Một mình không thể làm sản phẩm du lịch hấp dẫn được thì liên kết du lịch tạo tour dài ngày với sản phẩm đa dạng, phong phú, khác biệt là giải pháp hữu hiệu.
Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc công ty Du lịch Việt: Phát triển chưa đồng đều
Hiện nay du lịch của vùng mới chỉ thực sự phát triển tại một số địa phương như Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang trong khi những tỉnh khác như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp… lại chưa khai thác hiệu quả, tương xứng với tiềm năng. Điểm yếu của du lịch trong vùng hiện nay là hầu hết các địa phương đều phát triển dựa trên tài nguyên du lịch sẵn có, các sản phẩm gần giống nhau, chưa tạo được sản phẩm du lịch đặc thù nên dễ gây nhàm chán cho du khách, theo cách nói của nhiều người thì đi một tỉnh là biết cả vùng. Cơ sở hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực du lịch còn mỏng, thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển du lịch.
Để khắc phục hạn chế trong việc khai thác du lịch của ĐBSCL, cần phải đi sâu vào vấn đề xây dựng nét đặc thù của mỗi địa phương, tạo tính liên kết chặt chẽ giữa các vùng để hình thành nhiều sản phẩm, tuyến du lịch hấp dẫn, đa dạng, không bị trùng lắp như hiện nay. Thêm vào đó cơ sở phục vụ du lịch cần phải được đầu tư đúng mức, đồng thời gắn liền nét văn hóa của từng địa phương.
Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ: Khai thác thế mạnh tiềm năng và liên kết
Năm 2014, thu hút du lịch của tỉnh Cần Thơ ước đạt khoảng 1,3 triệu lượt người, trong đó có khoảng 220.000 khách nước ngoài, với tổng doanh thu cả năm đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 13,4% so năm 2013. Có được kết quả này là nhờ ngành du lịch địa phương đã nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ, ẩm thực; đồng thời đa dạng hóa các loại hình sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị... Bên cạnh đó, cũng nhờ các dự án du lịch tại cồn Khương, cồn Cái Khế, cụm du lịch Phong Điền, Thốt Nốt; mở rộng phát triển du lịch sinh thái tại cù lao Tân Lộc; cụm du lịch Ô Môn - Cờ Đỏ phát triển mạnh du lịch nông trại đã thu hút đông đảo du khách. Mặt khác, Cần Thơ còn đẩy mạnh việc khai thác vị trí trung tâm trung chuyển của địa phương đến các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh thành khác; hợp tác với các tỉnh An Giang, Kiên Giang hình thành “tam giác du lịch”, phát triển các loại hình du lịch sông nước, biển đảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà - Giám đốc Truyền thông, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist: Nhiều dịch vụ chưa đạt yêu cầu
Từ xưa đến nay, đối với Saigontourist, ĐBSCL là một điểm đến rất hấp dẫn và trong hai năm gần đây, sự đa dạng sản phẩm dịch vụ tăng hơn rất nhiều. Đối tượng khai thác của chúng tôi hiện nay gồm khách Việt Nam và Việt kiều, trong đó lượng khách Việt kiều hiện đã tăng 50%. Bên cạnh đó, trước đây lượng khách đến du lịch tại vùng ĐBSCL chỉ theo mùa, ví dụ là mùa nước nổi, nhưng bây giờ gần như là quanh năm có thể khai thác du lịch tại đây.
Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định những sản phẩm du lịch ĐBSCL cho đối tượng du khách trên là khá tốt.
Đối với khách quốc tế, điểm thu hút du khách là thiên nhiên và yếu tố văn hóa. 100% đều mong muốn tham gia tour đi ĐBSCL với hình thức homestay. Các địa phương triển khai sản phẩm du lịch nói trên đối với khách quốc tế là khá tốt vì đã đưa được yếu tố văn hóa như Đờn ca tài tử, yếu tố ẩm thực vào trong tour.
Tuy nhiên, điều mà chúng tôi thấy tổ chức du lịch tại đây còn chưa đạt là chỗ lưu trú, lượng khách sạn đạt yêu cầu chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, tour miền Tây chủ yếu là đường bộ nhưng hạ tầng giao thông không được tốt và đây cũng là một thực trạng kéo dài từ nhiều năm nay.
Anh Phạm Bá Phương, du khách từ TP.HCM: Nhà làm du lịch chịu khó đầu tư “chất xám”
Tôi nghĩ rằng, các đơn vị lữ hành du lịch và các tỉnh ở ĐBSCL nên cùng bàn bạc tạo ra những sản phẩm du lịch thật độc đáo, đa dạng hơn. Ví dụ, xây dựng một tour hướng đến đối tượng trẻ, thích khám phá, có một chút phiêu lưu, chinh phục. Có thể tại một điểm du lịch sông nước ở tỉnh Tiền Giang, nên xây dựng một điểm để du khách có thể tương tác với thiên nhiên hoặc tại khu vực bảo tồn rừng tự nhiên ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau có thể xây dựng thêm một điểm lưu trú để khách du lịch có thời gian ở lại vừa đi khám phá rừng, khai thác sản vật, tham gia sản xuất nông nghiệp trong điều kiện cho phép của chính quyền để trải nghiệm cuộc sống như người dân địa phương. Hoặc tổ chức cho du khách có thể thử thách những cảm giác chinh phục thiên nhiên như leo núi ở tỉnh An Giang. Nói chung là có rất nhiều loại hình sản phẩm du lịch phù hợp cho nhiều đối tượng, quan trọng là những nhà làm du lịch cần phải chịu khó đầu tư chất xám vì ĐBSCL còn có rất nhiều tiềm năng.
Anh Đức ghi