Nhà mồ là công trình kiến trúc độc đáo của tộc người Cơ Tu làm nơi yên nghỉ cho người đã mất. Nhà mồ được dựng ở khu nghĩa địa chung hoặc của dòng họ nằm ở khu rừng phía tây của buôn làng người Cơ Tu ở các huyện miền tây tỉnh Quảng Nam và Tây Nguyên. Mỗi nhà mồ của người Cơ Tu ẩn chứa một bí mật về tính cách, sở thích lúc sinh thời của người đã mất.
Kiến trúc nhà mồ gồm hai phần chính: Kiến trúc nhà mồ và kiến trúc quan tài. Kiến trúc nhà mồ có mái hình vuông hoặc chữ nhật có 4 hoặc 6 cột, 2 mái thoải. Quan tài của người Cơ Tu vẫn có mặt cắt hình tròn hay hình bầu dục tương tự như nhà ở của người sống. Họ coi hồn của những người chết sẽ hóa thành “thần” phù hộ cho buôn làng, cộng đồng luôn đoàn kết và gặp nhiều điều lành, mùa màng bội thu, dân làng no đủ, ít bệnh tật, sức khỏe dồi dào...
Một ngôi nhà mồ đã có tuổi thọ trên 30 năm ở huyện Tây Đông Giang (Quảng Nam). Ảnh: Yên Ninh |
Khám phá, chúng ta sẽ thấy hình tượng con trâu xuất hiện ở những công trình kiến trúc nhà mồ và quan tài rất rõ nét và sinh động. Việc dùng hình tượng con trâu vào trang trí hoặc điêu khắc của người Cơ Tu cũng là một điều dễ hiểu bởi con trâu với họ là con vật hiến tế, là linh vật vào các lễ hội lớn của buôn làng, cộng đồng như: Lễ cầu mùa, Lễ ăn mừng lúa mới, Lễ cưới, Lễ ăn mừng nhà Gươl...
Những bức tượng padil za zá trong nhà mồ. Ảnh: Yên Ninh |
Ông B’ríu Nga, 72 tuổi ở thôn Pa Liêng, xã Ating, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam là người đã thực hiện thành công nhà mồ truyền thống của người Cơ Tu được phục dựng ở khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: Người Cơ Tu quan niệm nhà mồ và quan tài của người chết luôn là một hình ảnh của ngôi nhà người sống. Theo truyền thống, người Cơ Tu chỉ điêu khắc, trang trí quan tài và nhà mồ cho người đã khuất khi đã làm Lễ cải táng. Đây là lễ lớn quan trọng, tốn kém trong các hội lễ. Ngoài lý do tâm linh, Lễ cải táng của người Cơ Tu cũng là dịp để cho người sống thể hiện sự giàu có hay địa vị của mình.
Ông B’ríu Nga cùng các nghệ nhân xã Ating làm tượng nhà mồ trước Lễ cải táng của người Cơ Tu. Ảnh: Vũ Công Điền |
Chúng tôi đã có dịp đi khảo sát tại một số nhà mồ của người Cơ Tu cả ba vùng: Cao, trung và thấp, người Cơ Tu ở Quảng Nam và thấy rằng: Các nhà mồ đều có tượng padil za zá (tượng khắc bằng gỗ trang trí trong nhà mồ). Những bức tượng này mang ý nghĩa bày tỏ sự chia sẻ, tiễn đưa của người sống đối với người chết qua các hình thức vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra còn có các phù điêu hoa văn trang trí, hình vẽ thể hiện đặc điểm nào đó của người chết, qua đó người ta có thể biết lúc sinh thời chủ nhân của ngôi nhà mồ đó nổi tiếng về cái gì. Nếu có cảnh đi săn, đâm trâu thì lúc sinh thời người đó rất giỏi đi rừng săn bắt. Nếu có họa tiết cảnh đánh trống, hoa văn, nhảy múa chẳng hạn thì người đó lúc sống rất yêu ca hát và biết cách đánh và chế tác các loại nhạc cụ của người Cơ Tu.
Họa tiết này chứng tỏ lúc sinh thời người này rất đam mê săn bắt. Ảnh: Yên Ninh |
Người Cơ Tu quan niệm, người chết cũng như lúc còn sống cũng được chia gia tài gồm các vật dụng và công cụ lao động như: bát đĩa, dao, cuốc, xẻng…Ảnh: Yên Ninh |
Những hình nhân trang trí bên quan tài của người Cơ Tu bày tỏ các cảm xúc thương nhớ, tiếc thương đối với người đã mất. Ảnh: Yên Ninh |
Thông Thiện