Khát khao mang chữ “thắp sáng” bản làng

Vì nghèo mà những học sinh dân tộc thiểu số tại Đồng Nai sau khi tốt nghiệp THPT phải đi làm thuê, kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Tuy nhiên, không vì thế mà khát vọng học tập trong lòng những đứa con của bản làng nguội lạnh. Sau những tháng năm làm công nhân, tích góp được vài triệu đồng, những học sinh dân tộc thiểu số ở Đồng Nai lại “lai kinh ứng thí” với khát vọng đưa chữ về “thắp sáng” bản làng.


 

K’Duyên (trái) tranh thủ thời gian rảnh rỗi trao đổi kiến thức với sinh viên tình nguyện.

Học hết THPT năm 2010 với học lực loại khá, nhưng ở thời điểm đó việc kiếm đủ tiền để đi thi đại học với K’Duyên (dân tộc Châu Mạ, sinh năm 1992, ở ấp Hiếu Nghĩa, thị trấn Định Quán, Đồng Nai) là điều nằm ngoài tầm tay với. Năm đó, thương K’Duyên, bố mẹ em đã chạy vạy khắp nơi nhưng chỉ mượn được 500.000 đồng - số tiền không đủ để cho K’Duyên đi thi. Không bằng lòng với số phận, nên dù “xếp bút nghiên” đi làm công nhân nhưng K’Duyên vẫn nung nấu trong lòng ước mơ trở thành sinh viên. Hơn hai năm miệt mài trên những dây chuyền máy, hàng tháng K’Duyên gửi tiền về nhà để phụ thêm cho gia đình, ngoài ra em vẫn “bí mật” cất một số tiền để năm 2013 thực hiện ước mơ của đời mình. Nghĩ về kỳ thi đại học vừa qua, gương mặt gầy gò của cô nữ sinh Châu Mạ lộ rõ những hân hoan. K’Duyên cho biết: “Em đã hoàn thành các môn thi và tự tin mình làm đúng trên 60%. Nếu đợt này thi đỗ ngành Sư phạm mầm non của Đại học Đồng Nai em sẽ tìm việc làm phù hợp kiếm tiền đi học, còn thi trượt em vẫn đi làm công nhân, năm tới thi tiếp”.


Cùng ở ấp Hiếu Nghĩa, thị trấn Định Quán và cũng dự thi vào khoa Sư phạm mầm non, Đại học Đồng Nai, K’Hồng Vân tốt nghiệp THPT năm 2012. Ngay trong tháng 6/2012, biết mình đỗ tốt nghiệp và biết gia đình không đủ tiền để đi thi đại học, K’Hồng Vân đã khăn gói đến thành phố Biên Hòa làm công nhân. Với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng, ngoài gửi về nhà cho bố mẹ, mỗi lần nhận lương K’ Hồng Vân lại dành 300.000 đồng bỏ vào lợn đất. K’Hồng Vân kể: “Đi làm nhưng em vẫn tranh thủ ôn thi, thiếu tài liệu thì em ra tiệm sách cũ mua. Một năm đi làm em đã tích góp được hơn 3 triệu, ban đầu em định làm thêm 1 năm nữa, dành thêm tiền để nếu đỗ thì em còn có tiền đóng nộp các khoản, nhưng rồi các anh, chị làm cùng công ty khuyến khích là nếu em đỗ họ cho mượn tiền đóng học đầu năm nên em đã quyết định đi thi”.


Gia đình nào vay mượn được là quyết cho con tham gia kỳ thi đại học. Đó là tiếng nói chung của những phụ huynh dân tộc thiểu số đưa con đi thi. Theo ông Chu Minh Cương (dân tộc Nùng, ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai), mùa thi đại học năm 2013, gia đình ông có 3 người con cùng dự thi vào các trường đại học ở Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Ông Cương cho biết: “Gia đình tôi có 5 người con, nhà chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nên rất nghèo. Cả hai đợt thi đại học vừa qua tôi mượn được 10 triệu đồng, 4 cha con tiết kiệm nên cũng đủ. Nhà nghèo nhưng tôi khuyến khích con mình đi học. Bố mẹ vì thất học nên chẳng hiểu biết gì nhiều, suốt đời nghèo khó nên mong các con học tập thành tài”.


Khát vọng đổi thay, lĩnh hội tri thức đó là thanh âm trong trẻo mà chúng tôi ghi nhận được từ tất cả những “sĩ tử” người dân tộc thiểu số tham gia thi tuyển vào đại học tại Đồng Nai. “Cuộc chiến” mang tên đại học vẫn còn lắm cam go nhưng mong là những thí sinh như K’Hồng Vân, K’Duyên, Chu Thị Thảo… sẽ trở thành sinh viên để sau đó đưa con chữ về với dân bản, góp phần nâng cao dân trí, đưa lại cuộc sống ấm no cho bản làng.


Bài và ảnh: Công Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN