Khi người dân đồng thuận xây dựng nông thôn mới

Không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) lại là 1 trong 4 xã của tỉnh đạt nhiều tiêu chí nhất với 14/19 tiêu chí. Kết quả này có được ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương chính là nhờ lòng dân đồng thuận.

Xã Quang Thuận hiện có 489 hộ, 2.022 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Đời sống người dân nơi đây dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và trồng cây ăn quả. Để bứt phá về kinh tế, xã Quang Thuận coi kiên cố hóa hệ thống đường giao thông nông thôn là điều kiện quan trọng. Được tuyên truyền kỹ, người dân địa phương hăng hái đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, bà con đã góp trên 3.000 công lao động, hàng tỷ đồng để làm đường giao thông. Có đường giao thông, việc đi lại, giao thương buôn bán của bà con thuận tiện hơn, nhất là khi vào vụ thu hoạch cam, quýt. Chị Lý Thị Thu, thôn Phiêng An 2, xã Quang Thuận cho biết: Từ ngày có đường mở vào thôn, việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của bà con dễ dàng hơn.

Người dân xã Quang Thuận thu hoạch chè.

Đến nay, Quang Thuận cùng với Phương Linh là 2 xã đầu tiên của huyện Bạch Thông đạt tiêu chí về giao thông - một trong những tiêu chí khó nhất trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn. Ông Hà Thiêm Doanh, Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho biết: Từ năm 2013 đến nay, xã đã hoàn thành 1.807 m kênh mương, gần 3 km đường nội thôn, liên thôn. Với phương châm Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện, xã đã huy động nhân dân ủng hộ, đóng góp ngày công, 855 triệu đồng, hiến hơn 1.500 m2 đất để làm đường. Xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, sử dụng kinh phí đó hỗ trợ sửa chữa 2 cầu treo, làm cho diện mạo nông thôn của xã có nhiều đổi mới.

Nhờ sự đồng thuận, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã được đưa vào áp dụng tại địa phương bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần nâng thu nhập của người dân từ 11,5 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 24 triệu đồng/người/năm (năm 2015). Bên cạnh đó, số hộ được sử dụng điện lưới tăng, trụ sở UBND xã, trường học được xây dựng mới đạt chuẩn, trạm y tế xã, các công trình thủy lợi, đường giao thông thôn, xóm được nâng cấp, cải tạo và làm mới theo các tiêu chí của chương trình. Sản xuất nông nghiệp từng bước được cải thiện; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Các tuyến đường ở Quang Thuận đã được bê tông hóa.

Hiện nay, toàn xã có trên 400 ha cam, quýt cho thu hoạch; nguồn thu này chiếm trên 50% tổng thu của toàn xã. Nhiều hộ đồng bào đã vươn lên làm giàu từ cây ăn quả; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4,3%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt trên 90%. Công tác vệ sinh môi trường được tăng cường, các thôn trong xã duy trì tốt việc vệ sinh đường làng ngõ xóm, góp phần làm môi trường nông thôn ngày càng thông thoáng, sạch sẽ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt tiêu chí về văn hóa còn khó khăn trong thực hiện, nhưng với sự đồng thuận của người dân, Quang Thuận sẽ là một trong những xã cán đích nông thôn mới đầu tiên ở Bắc Kạn, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bài và ảnh: Đức Hiếu
Góp công, của xây dựng nông thôn mới
Góp công, của xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh Hoà Bình đã có nhiều thay đổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN