Khó khăn bán trú dân nuôi

Mô hình trường Dân tộc bán trú dân nuôi ở vùng sâu, vùng xa đã tiếp bước cho các em học sinh dân tộc tới trường. Tuy nhiên, nhiều trường Dân tộc bán trú vẫn khó khăn về nơi ăn, chốn ở, nước sinh hoạt, điện thắp sáng… ảnh hưởng tới công tác dạy và học của cả thầy lẫn trò.

 

Lai Châu là tỉnh đi đầu trong công tác thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, năm học 2009 - 2010 mặc dù Chính phủ chưa công bố Quyết định số 85, UBND tỉnh đã triển khai hỗ trợ mỗi em ở bán trú là 240.000 đồng/tháng. Các em ở tập trung tại trường, các thầy cô có trách nhiệm quản lý, nuôi dưỡng, đảm bảo sức khỏe và điều kiện học sẽ tốt hơn, tỷ lệ chuyên cần cũng được đảm bảo, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học.

 

Trường bán trú THCS Nậm Ban thiếu phòng học nên lớp học cũng là
phòng ở.


Anh Tào A Máy, dân tộc Mảng, ở bản Nậm Nó 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết: Nhà có 11 người con, hiện có 3 cháu đang theo học ở trường cấp hai, gia đình cũng khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước nuôi các con ăn học thì hai vợ chồng sẽ không biết xoay sở ra sao... Em Tào Me Liềm, 16 tuổi, học lớp 9 là con của anh Máy kể: Chúng em được thầy cô giáo nấu cơm cho ăn ngon, được ở lại trường vui chơi với bạn bè, không phải về nhà đi nương, các em thích và sướng lắm…


Trường PTDT bán trú THCS xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn thực hiện bán trú từ năm học 2011 - 2012 và năm nay có 148 học sinh ở bán trú trên tổng số 1 em toàn trường, tăng 51 em so với năm học trước. Nhưng cơ sở vật chất vẫn tạm bợ, chưa đảm bảo. Trường có 7 lớp học, có 4 phòng học tạm, để nhường phòng ở cho các em nên trường phải tổ chức cho học sinh học hai ca, nhưng những phòng học đó cũng chỉ là nhà tạm khung gỗ, thưng ván, lợp tấm bờ rô, nền xi măng, mỗi phòng gần 30 em trong diện tích khoảng 6 m2, nhà ăn và bếp nấu xuống cấp chưa phù hợp, đồ dùng nấu nướng và bảo quản thức ăn chưa đầy đủ. Tuy nhà trường đã có nhân viên y tế nhưng tủ thuốc chữa bệnh dự phòng vẫn chưa được cấp, khi các em ốm đau, sổ mũi nhức đầu, đau bụng không có thuốc men chữa trị. Để có chỗ ở rộng, thoáng mát hơn cho các em, sắp tới nhà trường đã đề xuất Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn cấp xi măng lán nền, tấp lợp để thầy cô giáo cùng với phụ huynh vào rừng lấy gỗ dựng thêm 5 phòng ở bán trú.

 

Các em học sinh trường bán trú dân nuôi tự trồng rau xanh để cải thiện
bữa ăn.


Khó khăn hơn cả là trường THCS xã Tà Mít, huyện Tân Uyên. Theo chương trình tái định cư thủy điện, trường chuyển lên vị trí mới được 3 năm nhưng do mặt bằng dựng trường chưa san ủi nên chính quyền địa phương và nhà trường phải dựng lớp tạm. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Uyên hỗ trợ tấm lợp, sắt, đinh, phông bạt… thầy cô giáo cùng bà con dân bản chặt tre, xẻ gỗ dựng lớp, dựng phòng học và chỗ ở tạm cho học sinh. Trường hiện có 5 lớp học tạm, 5 “lều” liếp nứa phục vụ 25 em bán trú, nói là chỗ học, chỗ ở tạm vậy nhưng lớp học trống tuềnh toàng, không cửa chính, cửa sổ, mùa mưa nước chảy lênh láng, mùa đông giá lạnh, trò ngồi học rét run người. Nước sinh hoạt không có, nhà trường phải đầu tư tiền mua đường ống dẫn nước cách xa khoảng 4 km về dùng tạm. Do xã chưa có điện lưới, Phòng giáo dục cấp máy nổ, các thầy cô góp tiền đổ xăng để có ánh sáng buổi tối các em học bài.

Theo thống kê của Sở GD & ĐT tỉnh Lai Châu hiện nay, toàn tỉnh có 52 trường PTDT bán trú dân nuôi với 13.914 học sinh; tổng số có 549 phòng ở bán trú, trong đó phòng bán kiên cố 220, phòng tạm 169, phòng nhờ mượn 12, phòng cải tạo 92. Để thực hiện công tác bán trú hiệu quả hơn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục Lai Châu có đề xuất cần bổ sung thêm kinh phí để xây dựng phòng ở, nhà bếp, nhà ăn, điện thắp sáng, nước sinh hoạt và công trình vệ sinh cho học sinh bán trú; có biên chế nấu ăn cho các trường bán trú và hỗ trợ chế độ cho cán bộ cấp dưỡng.


Thầy Hoàng Đình Dũng Hiệu trưởng Trường THCS xã Tà Mít cho biết: Thầy cô giáo và các em học sinh ở đây rất vất vả và khó khăn. Trường lớp tạm bợ, học sinh bán trú ở chật hẹp, không có nhà ăn, không có tủ thuốc chữa bệnh. Vào năm học mới, thầy cô giáo, phụ huynh và các em lại phải sửa sang gia cố phòng học, dựng lại lán ở bán trú. Dù các em học sinh được ở bán trú đã sướng hơn nhiều, phụ huynh ủng hộ nhưng cơ sở vật chất phục vụ bán trú còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi mong các cấp, các ngành sớm quan tâm xây dựng trường học để các em bán trú nhanh chóng có nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, phục vụ tốt cho công tác dạy và học của cả cô lẫn trò...


Tỉnh Lai Châu đã thực hiện công tác bán trú dân nuôi được hơn 4 năm học nhưng còn nhiều khó khăn và hạn chế nhất định do cơ sở vật chất chưa được đầu tư kịp thời. Nhiều trường bán trú cơ sở vật chất còn chưa đủ, nhà ăn cho học sinh không có phải ngồi ăn tại lớp học hay mang cơm về chỗ ở. Phòng ở chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho các em. Đặc biệt, nhiều trường bán trú vẫn chưa có điện thắp sáng, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh...


Trưởng bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) Lý A Quân, 50 tuổi, dân tộc Mảng cho biết: “Con em dân bản mình đang phải học trường lớp tạm bợ, điện thắp sáng không có, nước sinh hoạt thì xuống suối lấy về dùng ăn uống và tắm giặt. Đầu năm học nhà trường đến nhờ mình thông báo với dân bản giúp đỡ, vào rừng lấy gỗ về sửa sang trường lớp và dựng thêm phòng ở, phòng học thì bà con mình vui vẻ nhận lời, vì con cái mình cả thôi. Để lâu dài thì Nhà nước cần đầu tư xây dựng trường lớp kiên cố, thầy cô giáo mới yên tâm công tác, gắn bó dạy chữ con mình chứ…”.

 

Bài và ảnh:Việt Hoàng

Quan tâm các trường bán trú

Dù công tác bán trú trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất nhưng ngành giáo dục Lai Châu đã có sự cố gắng vươn lên đạt được những thành công khởi sắc. Các trường bán trú dân nuôi đã thực hiện tốt "3 tập trung" như đảm bảo có nhà ở tập trung cho học sinh, ăn tập trung và quản lý tập trung với phương châm giúp các em có “6 hơn ở nhà” đó là ăn ngon hơn, vui hơn, an toàn hơn, lao động tốt hơn, ở tốt hơn và học tập tốt hơn. Tuy nhiên, các trường bán trú dân nuôi hầu hết cơ sở vật chất xuống cấp hoặc chưa đủ để phục vụ đời sống, sinh hoạt, học tập của các em. Vượt lên trên những khó khăn, ngành giáo dục và các thầy cô giáo, học sinh, người dân đang từng ngày cố gắng khắc phục, cố gắng bám trường, bám lớp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Hoàng Đức Minh - Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Lai Châu

 

Còn nhiều khó khăn

Thực hiện bán trú nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nhưng nhà trường cũng gặp không ít khó khăn. Nhà ở của các em chưa đủ, nhân viên phục vụ nấu ăn cho học sinh chưa có, các thầy cô giáo chia nhau đảm nhận, tiền hỗ trợ không đủ so với giá cả đắt đỏ hiện nay nên nhà trường đưa ra sáng kiến giáo viên góp tiền mua lợn, gà, ngan, vịt và hạt giống rau, lưới rào để các em học sinh chăm sóc. Hàng ngày có rau xanh cải thiện bữa ăn cho học sinh; gà, vịt, lợn thì đến ngày lễ, Tết giáo viên tổ chức nấu cơm liên hoan vui vẻ với các em...

Thầy Nguyễn Văn Hiệp Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS
xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Lai Châu)

 

Nhiều học sinh phải sống tạm trong lều


Đến nay toàn huyện vẫn còn gần 1.000 em học sinh thuộc diện được ở bán trú nhưng chưa có nhà ở nên phải sống tạm bằng lều, lán do phụ huynh dựng lên trên các triền đồi, trên đất của trường học. Trước tình hình đó, phòng giáo dục đã chỉ đạo các trường mua ni-lông, bạt dứa, sửa chữa phên, vách, mua bao tải bịt khe hở để che chắn cho lớp học không bị gió lùa vào những ngày giá rét. Trích tiền từ quỹ vì người nghèo mua chăn cấp cho học sinh bán trú, một số trường thì cho mượn chăn; còn lại thì chủ yếu là phụ huynh học sinh đóng góp tiền để mua.


Ông Vi Song Hào, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo
huyện Bình Gia (Lạng Sơn)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN