Tây Bắc giàu tiềm năng, với lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, hiện Tây Bắc vẫn đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc tập trung phát triển khoa học- công nghệ được xem là giải pháp tạo xung lực giúp toàn vùng phát triển bền vững.
Chưa thoát khỏi nghèo đói
Vùng Tây Bắc có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu đối với sự phát triển bền vững của vùng và của cả nước. Tây Bắc có nguồn tài nguyên văn hóa - nhân văn to lớn và phong phú, đặc biệt là kho tàng tri thức bản địa và di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc như Thái, Mông, Mường, Dao, Tày, Nùng. Vùng đất này còn có nhiều di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng thế giới. Trong lịch sử cũng như hiện tại, vùng Tây Bắc luôn luôn có vị thế địa - chính trị vô cùng quan trọng, liên quan mật thiết đến sự hưng thịnh, tồn vong của đất nước.
Theo ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc, đầu tư cho phát triển vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được chính phủ ưu tiên. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao (25,6%), cao gấp ba lần mức bình quân chung, số huyện nghèo nhất chiếm 70%, số xã nghèo nhất chiếm 50% của cả nước.
Đánh giá về thực trạng kinh tế của Tây Bắc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng nhận định: Đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Cụ thể, mức tăng trưởng của vùng thấp hơn các vùng khác; tỷ lệ bình quân doanh nghiệp chỉ đạt 13 doanh nghiệp/10.000 dân, bằng 1/3 bình quân chung của cả nước và thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác. Số dự án đầu tư nước ngoài vào vùng này chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng số dự án FDI đầu tư vào các tỉnh thành trên phạm vi cả nước.
Giải quyết vấn đề nóng bỏng nhất
Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận rõ tầm quan trọng của địa bàn chiến lược này, nhằm góp phần xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y đề xuất của Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban chỉ đạo Tây Bắc về việc tổ chức triển khai chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc".
Chương trình này do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai từ nay đến năm 2018.
Chương trình sẽ cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ điều chỉnh, xây dựng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; đề xuất các mô hình sinh kế, phát triển kinh tế phù hợp cho một số tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức tăng trưởng kinh tế của vùng. Chương trình cũng đề ra mục tiêu chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và xác định nhu cầu đào tạo và đề xuất giải pháp phù hợp thực hiện phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.
Đưa công nghệ vào cuộc sống
Theo PGS, TS Phùng Xuân Nhạ, trong giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2015), chương trình tập trung triển khai nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, điều tra bổ sung để trong năm 2014 sẽ có được bộ cơ sở dữ liệu tích hợp về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế, văn hóa, xã hội, nguồn nhân lực, môi trường và tai biến thiên nhiên vùng Tây Bắc, làm cơ sở đề xuất xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển các tiểu vùng, liên vùng và cho toàn vùng Tây Bắc.
Đồng thời với nghiên cứu, điều tra bổ sung, chương trình còn đẩy mạnh rà soát các nghiên cứu đã có, các mô hình thực tiễn thành công để lựa chọn những mô hình, công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và trình độ phát triển của các địa phương để chuyển giao, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, nhất là các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, dân tộc và phòng chống thiên tai.
Bên cạnh đó, chương trình cũng xác định nhu cầu đào tạo của từng địa phương trong vùng, trên cơ sở đó đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan xác định các mô hình, giải pháp phù hợp để phát triển nguồn nhân lực cho vùng Tây Bắc. Cụ thể, chương trình sẽ huy động đội ngũ giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, các trường đại học trong vùng Tây Bắc và các cơ sở giáo dục đào tạo khác triển khai ngay các khóa đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ngành, huyện, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp của các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc.
Trong giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến năm 2018), chương trình sẽ triển khai ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ theo 4 nhóm nội dung đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt vào thực tiễn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Bắc.
Huyền Tím