Cho rằng việc các thứ trưởng tự di chuyển từ nhà tới cơ quan là “bình thường,” lãnh đạo bộ này cũng đánh giá, một trong những vấn đề hiện tại là thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, khó có ai tự nguyện vì các lãnh đạo đều có tiêu chuẩn định mức riêng.
Cơ chế khoán xe công được nhân rộng sẽ tiết giảm được nhiều chi phí cho ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa: Minh Phương |
Thứ trưởng Chí cho hay, quy định hiện tại vẫn chưa bắt buộc nhưng Bộ Tài chính đã thống nhất khoán kinh phí xe công ngay từ đầu tháng 10/2016. Đơn cử, với khoảng cách từ nhà tới cơ quan là hơn 10km, mức kinh phí được khoán của lãnh đạo Nguyễn Hữu Chí khoảng 6,6 triệu đồng/tháng. “Vấn đề quan trọng là làm sao đi từ nhà tới cơ quan đúng giờ, còn phương tiện gì là tùy mỗi người bởi đây là việc đã khoán. Cũng có ý kiến nêu, chức danh như vậy thì đi xe taxi liệu có hợp lý? Đi xe biển trắng vào cơ quan họp, làm việc sẽ gặp nhiều khó khăn… Đủ lý do, tại không muốn làm thôi”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí chia sẻ.
Chưa nói về việc có đề xuất thực hiện đồng bộ ở các cơ quan khác hay không, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ triển khai theo lộ trình và sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chính thức quyết định khoán kinh phí sử dụng xe ôtô đưa đón lãnh đạo từ ngày 1/10. Chế độ khoán được tính với xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày của chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính và lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương).
Cụ thể, mức khoán được tính bằng đơn giá khoán nhân (x) số km x 2 lượt x số ngày làm việc. Trong số này, đơn giá khoán được xác định theo mức giá các hãng taxi loại 4 chỗ ngồi phổ biến trên thị trường. Ngoài ra, số km khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc; số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ Luật Lao động (22 ngày).
Việc Bộ Tài chính “tiên phong” triển khai khoán xe công đã được dư luận đồng tình ủng hộ, nhưng một số chuyên gia tài chính cũng cho rằng, cách tính tiền khoán được Bộ Tài chính đưa ra quá tỉ mỉ và không khoa học. Nên chăng thực hiện khoán theo số tiền cố định hoặc theo tỷ lệ phần trăm của mức lương.