Thời gian tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định) sẽ diễn ra từ ngày 11-15/2/2014 (tức ngày 12-16 tháng Giêng Âm lịch), nhà đền sẽ phát ấn trong vòng 6 ngày, từ ngày 15-20 tháng Giêng âm lịch. Đây là thông báo của BTC lễ hội Khai ấn đền Trần trong cuộc họp báo chiều ngày 15/1/2014, tại thành phố Nam Định.
Múa rồng tại ngày chính hội đền Trần (Nam Định) năm 2013.Ảnh: Nguyễn Trường - TTXVN |
Điểm mới của lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2014 là việc khôi phục lại nghi lễ rước nước, tế cá truyền thống trở thành một trong những nội dung hoạt động chính trong lễ hội. Theo đó, sáng 12 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 11/2/2014), nhân dân trong phường Lộc Vượng sẽ tổ chức rước kiệu từ đền Cố Trạch ra giếng cổ, ao thả cá; thực hiện nghi thức lấy nước, đánh bắt cá, rước nước, rước cá về đền Thiên Trường và tổ chức nghi lễ dâng nước, tế cá tại đây, sau đó sẽ phóng sinh cá ra sông Hồng, khu vực phà Hữu Bị.
Ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, đơn vị giúp xây dựng đề án tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần, cho biết: Lễ hội Khai ấn đền Trần không phải chỉ có lễ khai ấn, phát ấn, mà còn có nhiều nghi thức rất có giá trị khác, Viện VHNT sẽ cùng địa phương từng bước phục dựng lại, để các hoạt động trong lễ hội trọn vẹn hơn.
Cũng theo ông Quang, nghi lễ rước nước, tế cá là một trong số các nghi lễ đã bị mai một, mới được Viện VHNT đưa vào đề án phục dựng lại. Đây là một trong hệ thống các nghi lễ mà Viện VHNT đã xây dựng kịch bản và sẽ từng bước phục dựng trong thời gian tới. “Những nghi lễ này không phải do những người viết đề án “vẽ” ra, mà tất cả đều dựa trên ghi chép của các thư tịch cổ, qua ý kiến đóng góp của các cụ bô lão, những người cao tuổi trong làng về những nghi lễ có ở lễ hội Khai ấn đền Trần trước đây”, ông Lương Hồng Quang khẳng định.
Về lễ Khai ấn đền Trần ngày 14 tháng Giêng, ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp (Nam Định) cho biết: Vào ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 13/2/2014), UBND thành phố sẽ chủ trì tổ chức lễ dâng hương tại đền Thiên Trường, bắt đầu từ 22 giờ 15 phút đến 22 giờ 40 phút, sau đó là nghi lễ rước kiệu ấn do đại diện Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân phường Lộc Vượng thực hiện. Nghi thức thực hiện khai ấn sẽ do các cụ cao niên phường Lộc Vượng thực hiện theo nghi lễ truyền thống. Sau lễ khai ấn, cửa đền sẽ mở cho nhân dân vào lễ đầu năm. Đến 3 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng, sẽ thực hiện lễ hồi kiệu ấn về đền Cố Trạch. Từ 7 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng, sẽ tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 3 nhà Giải Vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa, thời gian phát ấn sẽ kéo dài đến hết ngày 20 tháng Giêng âm lịch. Năm nay BTC sẽ không ấn định số lượng các lá ấn được phát ra cho du khách, con số này hoàn toàn do nhà đền quyết định.
Ngoài ra, từ ngày 12-16 tháng Giêng âm lịch, BTC sẽ xen kẽ các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ Môn đền Trần.
“Đến nay, Ban tổ chức đã xây dựng các phương án đảm bảo công tác an ninh trật tự, kiểm tra, ngăn chặn hành vi làm ấn giả, sẽ tổ chức một tổ công tác chuyên thu gom ăn xin, ăn mày đưa về trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh... để mọi hoạt động lễ hội diễn ra chu đáo, đảm bảo”, bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần, cho biết.
Bài và ảnh: Phương Lan