Gia đình chị Thạch Chanh Sa Mi, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh được vay 20 triệu đồng để trồng trọt và chăn nuôi. |
Những ngày này, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh đang tất bật dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa để đón lễ. Năm nay, không khí vui lễ ở phum sóc rộn ràng hơn bởi đời sống của đồng bào Khmer được cải thiện đáng kể.
Trong căn nhà còn thơm mùi vôi mới, chị Thạch Chanh Sa Mi, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh) cho biết, gia đình chị trước đây là hộ nghèo, thu nhập rất bấp bênh, cả năm chỉ được khoảng 10 triệu đồng từ 0,3 ha đất trồng lúa.
Đầu năm 2016, gia đình chị được vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng để phát triển sản xuất. Chị đã đầu tư chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng màu và mua bò để nuôi.
Đến nay, gia đình đã có thu nhập ổn định. Điều phấn khởi hơn là gia đình chị được đón lễ Sene Dolta trong căn nhà mới vừa được xây dựng từ số tiền tích góp được.
“Nhờ sự quan tâm, chăm lo đời sống của Nhà nước đối với hộ Khmer nghèo, gia đình tôi có thêm động lực để lao động, sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình”, chị Mi chia sẻ.
Ông Cao Quốc Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết, huyện Châu Thành có gần 13.000 hộ Khmer, chiếm hơn 33% số hộ của huyện.
Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã giải ngân hơn 81 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương khó khăn, hỗ trợ đất ở, vốn phát triển sản xuất, nước sinh hoạt… cho đồng bào Khmer.
Nhờ vậy, diện mạo phum sóc đã có nhiều đổi thay tích cực. Đời sống đồng bào Khmer địa phương ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2016 của huyện đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng gần 1,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.
Luôn xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Đồng bào Khmer nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn phát triển sản xuất, nước sinh hoạt, điện… Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả. Vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khởi sắc.
Nông dân xã Đa Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) chăm sóc diện tích rau màu được đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi. |
Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, năm 2017, tỉnh được Trung ương phân bổ hơn 41 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng tại 24 xã và 52 ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo Chương trình 135.
Thực hiện Quyết định 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỉnh đang triển khai nguồn vốn hơn 13,7 tỷ đồng để hỗ trợ 10.541 hộ chủ yếu là gia đình Khmer nghèo trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tỉnh đang giải ngân nguồn vốn hơn 36 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở cho 1.474 hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Kiên Banh cho biết, toàn tỉnh có gần 328.000 người là dân tộc Khmer, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh. Từ năm 2014-2016, toàn tỉnh có 2.010 hộ Khmer không có đất ở được hỗ trợ hơn 728.000 m2 đất với tổng số tiền hơn 65,2 tỷ đồng.
Trung ương phân bổ hơn 137 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng gần 300 công trình hạ tầng trên địa bàn và hỗ trợ hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất.
Hàng chục nghìn hộ Khmer được hỗ trợ kéo điện vào nhà. Gần 5.400 hộ nghèo chủ yếu là đồng bào Khmer tại 3 huyện Trà Cú, Tiểu Cần và Cầu Kè được hỗ trợ sử dụng nước hợp vệ sinh với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng…
Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên. Hiện toàn tỉnh còn hơn 30.000 hộ nghèo, giảm trên 2% so với năm 2015; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo Khmer giảm 2,66%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh hiện đạt 33,4 triệu đồng/người/năm…