Việt Nam đã giảm tỉ lệ nghèo từ 58,1% (năm 1993) xuống còn 5,97% vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, ở khu vực dân tộc thiểu số, đời sống đồng bào còn có khoảng cách xa so với mặt bằng chung quốc gia, tốc độ giảm nghèo chậm, tỉ lệ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3,5 lần so với tỉ lệ trung bình cả nước. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh làm xuất hiện các dạng nghèo đô thị mới trong các nhóm người di cư và lao động ở nông thôn ra thành phố, chủ yếu là ở khu vực phi chính thức.
“Để đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, làm cơ sở thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Quyết định này thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc coi mục tiêu giảm nghèo dân tộc thiểu số và hoàn tất các Mục tiêu Thiên niên kỷ cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam”, ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết.
Bên cạnh đó, Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”. Đề án nhằm mục đích nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh, thông tin, đồng thời phân loại đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp.