Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, đến nay sản xuất sắn vẫn chủ yếu dựa theo hình thức quảng canh, với sản lượng tăng chủ yếu là do mở rộng diện tích. So với các loại cây hàng hóa khác, sắn được coi là cây thân thiện với người nghèo, do không đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và trình độ thâm canh cao. Các lợi thế này đã lôi kéo được khoảng 1,2 triệu hộ gia đình miền núi tham gia trồng sắn, sản phẩm thu hoạch được cung cấp cho 94 nhà máy chế biến với quy mô lớn và hàng nghìn cơ sở chế biến nhỏ trong cả nước. Tổng lượng nguyên liệu sắn năm 2014 lên tới 10,36 triệu tấn củ tươi.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn ở huyện Cư M’ga, tỉnh Đắk Lắk. |
Tuy nhiên, các cơ chế chính sách có liên quan đến quản lý sản xuất, chế biến, xuất khẩu vẫn còn hạn chế. Sản xuất sắn còn mang tính tự phát, chủ yếu do hộ gia đình chạy theo nhu cầu của thị trường và từ đó chuyển đổi rừng, nương rẫy cũ và diện tích các loại cây trồng khác sang trồng sắn. Nhà nước chưa có quy hoạch cụ thể cho ngành sắn, trong đó có quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, các cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm… dẫn đến tình trạng phát triển tự phát của ngành sắn như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, trong những năm gần đây, sắn đã lọt vào nhóm 10 loại mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt trên 1 tỷ USD/năm. Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu sắn đạt 1,6 tỷ USD; riêng khu vực Tây Nguyên mà trọng điểm là các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 500 triệu USD. Trong khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính giảm so với cùng kỳ năm 2014 thì mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn lại tăng mạnh về cả số lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 9/2015 ước đạt 235.000 tấn, với giá trị đạt 84 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 9 tháng đầu năm 2015 đạt 3,27 triệu tấn với giá trị 1,03 tỷ USD, tăng 28,4% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, tỉnh không khuyến khích phát triển cây sắn trên nền đất đỏ bazan mà chỉ khuyến khích trồng sắn ở những vùng đất xám, những vùng đất không có điều kiện để phát triển các loại cây trồng khác. Hiện năng suất sắn trồng trên cùng diện tích có xu hướng giảm dần theo từng năm, năm 2005 năng suất sắn bình quân của tỉnh Đắk Nông khoảng 25,5 tấn/ha, nhưng đến năm 2008 đã xuống còn 20,3 tấn/ha và đến năm 2013 chỉ còn 16,4 tấn/ha. Vậy là sau mỗi năm canh tác, năng suất sắn giảm 1 tấn/ha, nên cây sắn nếu không có cải tiến sẽ khó tồn tại.
Tuy nhiên, so với các loại cây trồng khác, sắn là loại cây có lợi thế vượt trội bởi sắn là cây ngắn ngày, có thể canh tác trên các địa hình dốc, tầng canh tác mỏng, không phù hợp với các loại cây trồng khác. Sắn cũng là cây không đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với trình độ canh tác của các hộ đồng bào dân tộc. Sản phẩm thu hoạch có thị trường đầu ra đa dạng, với củ tươi được bán cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn, sắn lát dùng cho xuất khẩu hoặc các nhà máy thức ăn chăn nuôi, các nhà máy chế biến cồn. Đến nay, ở một số địa bàn Tây Nguyên, sắn được coi như cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho những hộ dân nghèo sống ở vùng sâu, vùng xa. Điều này lý giải tại sao mặc dù chính quyền một số địa phương không khuyến khích việc trồng sắn nhưng “dù muốn hay không vẫn phải làm” như một số cán bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum chia sẻ.
Diện tích trồng sắn tăng nhanh trong những năm qua, bất chấp mọi nỗ lực nhằm thu hẹp diện tích sắn. Tại Đắk Nông, diện tích quy hoạch phát triển sắn tối đa là 10.000 ha, nhưng thực tế diện tích này hiện tại lớn hơn 2 lần so với diện tích đề ra theo kế hoạch là 21.000 - 22.000 ha. Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Diện tích sắn thay đổi tùy theo mức giá sắn, giá sắn thấp thì diện tích chỉ 20.000 ha nhưng giá sắn cao diện tích lại tăng lên 23.000 ha, UBND tỉnh quản lý không nổi”. Tương tự tại Kon Tum, diện tích sắn tăng liên tục và nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Cụ thể, diện tích sắn hiện tại cao hơn khoảng 11.000 ha so với kế hoạch đề ra. Tại đây sắn không chỉ quan trọng đối với những hộ dân nghèo mà còn cả đối với nguồn thu ngân sách của địa phương. Kết quả là mặc dù sắn không được ưu tiên mở rộng diện tích trong địa bàn tỉnh nhưng dù muốn hay không vẫn phải làm, như nhận xét của một lãnh đạo Sở NN&PTNT.