Có dấu hiệu giảmTheo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có 62.000 người mắc bệnh SXH, 41 trường hợp tử vong; tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương...
Người dân cần hợp tác chủ động trong phòng, chống SXH. Ảnh: soytehanoi.gov |
Tại Hà Nội, theo số liệu mới nhất, đã ghi nhận hơn 10.400 người mắc SXH, chưa có trường hợp nào tử vong tại 30/30 quận, huyện, thị xã; tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và huyện Thanh Trì. Trong đó, có hơn 9.600 người (chiếm 92,4% số mắc) đã khỏi hoàn toàn, chỉ còn hơn 7,5%số người mắc bệnh đang phải điều trị.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch SXH đang giảm mấy tuần gần đây, số ca mắc mới trong 3 tuần đầu tháng 11 chỉ chiếm 50% so với tháng 10. Dự báo dịch sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo Trung tâm y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay có hơn 16.600 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 104% so với cùng kỳ năm 2014 (7.715 ca); trong đó, có 6 trường hợp tử vong. Trong tuần vừa qua, toàn thành phố ghi nhận thêm 883 trường hợp SXH nhập viện, không có thêm trường hợp tử vong do SXH. Như vậy, ba tuần liên tiếp gần đây, số ca mắc SXH nhập viện của thành phố đã có khuynh hướng giảm.
Không chủ quan, lơ làTuy dịch SXH đang có dấu hiệu giảm, nhưng Bộ Y tế vẫn khuyến cáo người dân không được lơ là, chủ quan, mà vẫn tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác phòng dịch.
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: Dịch SXH ở nước ta đang lưu hành ở nhiều tuýp, nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần mắc sau còn nặng hơn lần trước. Vì thế các địa phương không được chủ quan, mà luôn phải sẵn sàng đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch và phổ biến sâu rộng tới người dân.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu mùa dịch tới nay, đã thực hiện được 660 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; tổ chức 142 chiến dịch phun hóa chất diện rộng để diệt muỗi. Đã có hơn 1,5 triệu hộ gia đình được kiểm tra, phun thuốc diệt muỗi. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố phối hợp với các Trung tâm y tế các quận huyện hằng ngày tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân SXH tại các bệnh viện nhằm phát hiện sớm các ca bệnh để khoanh vùng xử lý kịp thời; thường xuyên xuống tận các khu vực có dịch để kiểm tra công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội quyết tâm có thể dập tắt được dịch trong năm nay, không để kéo dài sang đầu năm sau. Thời gian tới, Hà Nội vẫn quyết liệt triển khai công tác giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân, ổ dịch, đặc biệt giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ không để bùng phát trở lại. Tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống dịch như: tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải... loại bỏ nơi muỗi có thể sinh sản, phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết: “Để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh, hiện tại trung tâm y tế dự phòng các quận huyện và các trạm y tế đang tích cực giám sát các ổ dịch cũ và quyết liệt xử lý dứt điểm các ổ dịch SXH tại những phường xã có nguy cơ dịch lan rộng kéo dài. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác truyền thông trong phòng chống dịch bệnh”.
Ông Nguyễn Trí Dũng cũng khuyến cáo, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, bệnh có thể lây lan thành dịch. Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, chúng ta cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt. Bên cạnh đó, người dân cần phối hợp với chính quyền và y tế địa phương trong công tác phun hoá chất diệt muỗi để phòng chống dịch SXH. Khi phát hiện các dấu hiệu như sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo một trong các triệu chứng: nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng... phải nhanh chóng đi khám bệnh và thông báo cho trạm y tế địa phương.