Khoảng chục năm trước, các tác phẩm múa đương đại lần đầu xuất hiện trên sân khấu, gắn với những cái tên như Trần Ly Ly, Quỳnh Lan, Lê Vũ Long... Nhưng khi đó, múa đương đại chỉ được coi là sự thể nghiệm và nhận được ánh mắt “dò xét” của những vị lão làng nghề múa. Còn hiện giờ, múa đương đại đã có thể “tự tin” đứng ngang hàng múa truyền thống, nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của các biên đạo trẻ.
Tư duy hiện đại là tất yếu
Nếu như trước đây, các tác phẩm múa thường tập trung khai thác những đề tài vốn đã trở thành ước lệ, cùng với lối biên đạo tuân thủ những chuẩn mực truyền thống, thì ngày nay, trong điều kiện hội nhập, đòi hỏi phải có những đề tài và cách làm mới. Theo nghệ sĩ Trịnh Quốc Minh, đây là một nhu cầu thiết thực, bởi việc giao lưu, hòa nhập vào dòng chảy của thế giới là hướng đi tất yếu để múa phá bỏ bức tường ngăn cách với công chúng, đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của công chúng hiện đại.
Một cảnh trong vở múa “sương sớm” do các nghệ sĩ của nhóm Arabesque biểu diễn. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Quả thực, múa không thể chỉ mãi bó hẹp trong những quy tắc, công thức cũ, mà cần có sự bứt phá. Ngay trong quá trình thực hành, nhiều nghệ sĩ đã cảm nhận rõ sự mâu thuẫn giữa lề thói quy chuẩn cũ với nhu cầu hiện đại. Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, biên đạo múa Quỳnh Lan cho biết: “Tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc của những lý luận truyền thống về múa. Nhưng trong quá trình làm việc, những quan điểm mà tôi được học đã có sự mâu thuẫn với tư duy sáng tạo hiện đại”. Trước kia, người ta quan niệm trong tác phẩm múa thì múa phải là trung tâm. Nhưng với tư duy và nhu cầu hiện đại thì các loại hình có thể kết hợp để trở thành nghệ thuật tổng hợp…
Để tìm hướng đi cho nghệ thuật múa, biên đạo Quỳnh Lan cũng như nhiều biên đạo trẻ khác cùng thời, đã quyết định tìm sự bứt phá. “Trước đây, ta cứ quan niệm rằng: Đưa một đạo cụ lên sân khấu thì phải khai thác triệt để đạo cụ đó, khiến cho nhiều tác giả, trong đó có chính tôi, loay hoay đủ cách để sử dụng triệt để đạo cụ mà quên mất mạch chính của tác phẩm. Giờ thì tôi nghĩ không cần thiết phải như thế, đạo cụ chỉ là một cái cớ và không nhất thiết phải xoáy vào”, Quỳnh Lan nói.
Sự bứt phá này không hẳn đã nhận được ý kiến trong nghề đồng tình. Chính hội nghề nghiệp là Hội nghệ sĩ múa Việt Nam cũng “lửng lơ”, chưa thực sự coi trọng vấn đề hội nhập trong múa. Nhưng những tác phẩm múa đương đại có chất lượng lần lượt ra đời đã là câu trả lời khẳng định quyết tâm của các nghệ sĩ trẻ. NSƯT Thái Phiên, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, cũng phải thừa nhận: Sự có mặt của múa đương đại đã làm phong phú, đa dạng thêm cho nghệ thuật múa nước nhà. Ông cho biết: “Các tác phẩm múa đương đại đã đáp ứng xu thế thời đại, đặc biệt đáp ứng được xu thế của giới trẻ không rề rà, chậm rãi quy phạm so với múa truyền thống. Có không ít tác phẩm tốt, kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố dân gian và hiện đại như “Nữ thần đen” của Trần Ly Ly, “Tiếng vọng núi rừng” của Anh Đức, rồi “Ngọn lửa Hà Thành” của tác giả Nguyễn Công Nhạc...”.
Vẫn khó đến với khán giả
Không thể phủ nhận những thành công về mặt nghệ thuật mà múa đương đại đã đạt được. Qua hơn 10 năm, múa đương đại giờ không còn được coi là thể nghiệm nữa. Tuy nhiên, con đường đến với số đông khán giả vẫn khá gập ghềnh, gian nan bởi nỗi lo muôn thuở là kinh phí. Thừa nhận thực tế khó khăn chẳng của riêng múa đương đại, NSƯT Thái Phiên cho biết: “Có không ít tác phẩm sau khi tham gia các hội diễn hay những sự kiện lớp hầu như không có cơ hội đến được với số đông khán giả. Đơn cử vở “Ngọn lửa Hà Thành”, dù được đánh giá cao về chất lượng, song cũng chỉ đủ kinh phí diễn một vài buổi. Một tác phẩm quy mô với hàng trăm diễn viên cùng dàn nhạc rất khó lòng xuất hiện trên sân khấu… ”.
Một lý do nữa khiến múa đương đại chưa được đông đảo công chúng biết đến là khán giả ở nước ta vẫn quen thưởng thức nghệ thuật có cốt tích, nên khi đột ngột tiếp xúc với vở múa đương đại, họ không khỏi ngỡ ngàng. Tư duy kể chuyện trong múa đương đại khiến khán giả gặp khó khăn khi tiếp cận hơn là việc diễn giải các sự kiện. Chung quy lại cũng là do khán giả chưa có nhiều cơ hội biết đến các tác phẩm múa đương đại.
Hội nghệ sĩ múa Việt Nam luôn mong muốn có được một chương trình đáng giá để đưa tác phẩm múa đến gần hơn với công chúng, nhưng đó là điều không dễ dàng gì. Tuy nhiên, khó cũng phải làm, để đưa múa đến gần hơn với công chúng.
Khánh Nguyên