Không để mất cân đối cung cầu gia cầm do dịch cúm

Dù dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, nhưng người nội trợ vẫn không nên quay lưng lại với gia cầm và sản phẩm gia cầm. Các sản phẩm gia cầm vẫn đảm bảo an toàn nếu có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến và sử dụng đúng cách. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trọng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) với phóng viên báo Tin Tức.

 

 

Thưa ông, theo nhận định của ông thì dịch cúm gia cầm đang ảnh hưởng như thế nào tới ngành chăn nuôi Việt Nam?


Dịch cúm gia cầm làm cho giá của hầu hết các sản phẩm gia cầm giảm mạnh. Nhiều gia đình ngừng sử dụng các sản phẩm từ gia cầm; người chăn nuôi không dám tái đàn và phải chịu thêm sức ép giảm giá sản phẩm. Ví dụ, giá trứng vịt lộn giảm còn 2.000 đồng/quả nhưng trên thị trường vẫn bán với giá 6.000 đồng/quả, trứng tươi còn trên 1.000 đồng/quả. Thịt gà công nghiệp giảm mạnh, có nơi chỉ còn 30.000 đồng/kg.

 
 

Nhân viên Thú y tiêm vắcxin phòng cúm gia cầm tại các xã thuộc huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Trong thời gian qua, việc tuyên truyền về dịch bệnh có phần hơi phiến diện khiến người dân lo sợ. Thực tế, nhiều gia đình sau khi xem, nghe thông tin từ các phương tiện truyền thông đã không dám sử dụng các sản phẩm từ gia cầm nữa.


Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm soát tốt dịch bệnh, không để người dân hoang mang, quay lưng lại với các sản phẩm gia cầm; khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, các địa phương phải kiểm soát những nơi xảy ra dịch, không để tình trạng bán chạy bán tháo do dịch bệnh. Với những nơi không có dịch thì khuyến khích người dân tiếp tục tái đàn theo mô hình an toàn sinh học. Cục Chăn nuôi sẽ có công văn yêu cầu các tỉnh bên cạnh việc phòng chống dịch vẫn phải quan tâm tới việc phát triển, tăng đàn gia cầm theo hướng chăn nuôi an toàn.


Theo phân tích của chúng tôi, nếu người dân quá thận trọng hoặc quay lưng với sản phẩm gia cầm thì người chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn. Hệ quả là sau 2 - 3 tháng nữa sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Giá gia cầm và sản phẩm gia cầm sẽ tăng vọt, tình trạng nhập lậu gia cầm sẽ tái diễn. Do vậy, theo tôi, các cơ quan thông tin đại chúng cần tuyên truyền về các vùng chăn nuôi an toàn để người dân biết và sử dụng các sản phẩm gia cầm của các vùng này.



Nhiều gia đình đã ngưng sử dụng thịt gia cầm trong bữa ăn hàng ngày vì lo ngại dịch cúm gia cầm. Ông có lời khuyên nào đối với người tiêu dùng?


Người dân hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc và được chế biến đúng cách. Bên cạnh đó, các sản phẩm này phải được nấu chín, virút cúm gia cầm chịu nhiệt rất kém nên sẽ bị chết ở nhiệt độ cao. Hơn nữa, trong thời gian này, người dân nên tránh sử dụng tiết canh. Hiện nhiều người vẫn ăn món tiết canh vịt. Điều này rất nguy hiểm, vì trong tiết canh còn có thể mang vi rút cúm gia cầm và cả những mầm bệnh khác.


Người dân cũng cần xem dịch cúm A/H5N1 là dịch ở quy mô địa phương, vì nhiều tỉnh không xảy ra dịch này. Các vùng có dịch cần phải khoanh vùng kiểm soát; các cơ quan báo chí không nên tuyên truyền quá rầm rộ hay phiến diện mà khiến người dân hoang mang, tẩy chay sản phẩm gia cầm.

 

Dịch cúm gia cầm chắc chắn sẽ làm mất cân đối cung cầu gia cầm trong vài tháng tới. Cục Chăn nuôi sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?


Trong thời gian tới, sẽ có sự mất cân đối cung cầu sản phẩm gia cầm. Hiện nay, khi dịch đang xảy ra cũng đã có tình trạng này rồi. Cụ thể, hiện nay nguồn cung khá dồi dào nhưng nhu cầu giảm mạnh. Nhu cầu thịt gia cầm giảm khiến cho nhu cầu về con giống cũng giảm theo; kéo theo đó là giá con giống cũng lao dốc. Ví dụ, giá con giống gia cầm hiện chỉ dao động ở mức từ 1.500 - 5.000 đồng/con giống, giảm mạnh so với trước đây. Như vậy, trong 2 - 3 tháng nữa, nguồn cung thực phẩm sẽ giảm mạnh và giá cả sẽ tăng lên. Lúc đó có thể sẽ xảy ra tình trạng nhập lậu các sản phẩm gia cầm vì giá trong nước và nước ngoài có sự chênh lệnh.


Để ổn định nguồn cung lâu dài, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự án mô hình sản xuất giống tại chỗ cho 7 tỉnh biên giới phía Bắc, dự kiến sẽ được triển khai trong tháng 3, giúp người chăn nuôi tự chủ được về con giống, nhanh chóng tái đàn. Ngoài ra, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm soát để ngăn gia cầm nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Song song với đó, ngành nông nghiệp sẽ khuyến khích người dân chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học. Ví dụ như ở Thái Lan, họ vẫn xuất khẩu được gia cầm trong lúc xảy ra dịch cúm vì họ có vùng chăn nuôi an toàn.


Xin cảm ơn ông!


Hữu Vinh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN