Không để người dân phải đến nhiều nơi khiếu nại, tố cáo

Tiếp tục phiên họp thứ 21, sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tiếp công dân và báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Việt Nam.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Tiếp công dân, thống nhất việc tiếp công dân phải được xác định là hoạt động thường xuyên, là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước - những cơ quan liên quan trực tiếp và được giao thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân.


Đối với quy định tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc tăng cường vai trò của các trụ sở tiếp công dân thực chất là tăng cường tính tập trung của hoạt động tiếp công dân, tạo đầu mối chung để điều phối hoạt động tiếp công dân ở từng cấp, tạo điều kiện cho người dân không phải đến nhiều nơi để khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, sẽ rất khó xác định vị trí của trụ sở này trong hoạt động của bộ máy nhà nước hiện nay. Mặt khác, do thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân vẫn phải thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan khác, trụ sở tiếp công dân chỉ là nơi tiếp nhận, xử lý, phân loại và trả kết quả giải quyết cho người dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên đổi tên trụ sở tiếp công dân là ban hoặc văn phòng tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này.


Để nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp công dân, đồng thời để tạo điều kiện cho người dân muốn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị với các chủ thể trên, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong luật cần quy định trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc tiếp công dân và một số vấn đề mang tính nguyên tắc đối với hoạt động này. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong đoàn thực hiện việc tiếp công dân. Để tránh trùng lặp, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung trong luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào các quy định của Luật Tiếp công dân quy định chi tiết về tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.


Dự kiến dự án Luật Tiếp công dân được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.


Cũng trong sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2015.

Phúc Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN