Chiều 6/1, đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đã đến xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên tìm hiểu về những trường hợp phụ nữ mua thuốc không rõ nguồn gốc in chữ Trung Quốc để thúc trẻ em “tăng trọng”.
Trao đổi với
VnExpress.net chiều 6/1, bác sĩ Nguyễn Tấn Nhựt - Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, kiểm tra các cơ sở hành nghề dược tư nhân trên địa bàn thì không phát hiện nơi nào bán thuốc “chim yến”. Tuy nhiên, cô giáo Thanh Nhã tại Trường THPT Ngọc Tố có mua loại thuốc này về cho con uống.
|
Bao bì thuốc “chim yến” mà cô giáo Nhã cho biết mua tại tiệm thuốc Lợi Hòa Đường, TP Sóc Trăng. Ảnh: Thiên Phước. |
Cô Nhã cho biết cô không mua ở hiệu thuốc trong huyện mà mua ở một nhà thuốc tại TP Sóc Trăng với giá 30.000 đồng. Trước đó, cô có nghe thầy cô trong trường rỉ tai về thuốc “chim yến” giúp trẻ em ăn ngon, ngủ được, tăng cân nhanh.
“Bước đầu đoàn công tác đã mượn số thuốc này mang về TP Sóc Trăng xét nghiệm. Do trên vỏ ghi toàn chữ Trung Quốc nên không rõ đây là thuốc gì, nguồn gốc từ đâu, phải báo cáo lãnh đạo Thanh tra Sở Y để có hướng xử lý tiếp”, bác sĩ Si Val (trưởng phòng y tế huyện Mỹ Xuyên) cho biết.
Ông Lư Văn Hùng (chủ Cơ sở sản xuất kinh doanh Lợi Hòa Đường, đồng thời là chủ nhà thuốc nơi cô Nhã đã mua) cho biết thuốc “chim yến” không phải do cơ sở của ông sản xuất mà nhập khẩu từ nước ngoài. Về thành phần ông chỉ nói qua loa: “Đây là thuốc chim yến dùng để bồi dưỡng trẻ em. Tôi thấy mấy đứa nhỏ uống vô ăn được vì giúp trợ tiêu hóa”.
Lợi Hòa Đường là cơ sở sản xuất đông dược lớn ở Sóc Trăng. Bản thân ông Lư Văn Hùng thường bắt mạch, kê toa cho bệnh nhân. Mới đây, thuốc hoàn cứng “Thấp khớp tê bại đơn” của cơ sở này bị Sở Y tế TP HCM ra văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn độ rã.
Từ những dòng chữ in trên bao bì hộp thuốc “chim yến”, một đông y sĩ giỏi chữ Trung Quốc dịch ra nội dung thành phần gồm: tổ yến, mạch nha, sơn tra, lòng đỏ trứng gà… giúp bổ máu, kích thích ăn uống, ăn ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa và có khả năng miễn dịch, do Công ty TNHH Bảo Kiện Chính Thái, Quảng Đông (Trung Quốc) sản xuất.
Theo lương y Trần Văn Thanh, Chủ tịch Hội Đông y huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) thì những loại thuốc “ngoài luồng” toàn chữ Trung Quốc không kèm theo bản dịch chữ Việt thì không nên mua uống vì dễ tổn hại đến sức khỏe. |
Theo vnexpress.net