Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ của 6 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngoài những hiệu quả rất thiết thực cho người dân vùng lũ, chương trình đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập rất lớn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là mặc dù đã quá hạn nhưng rất nhiều hộ dân không có điều kiện trả nợ; kinh phí đầu tư thấp nên chất lượng các cụm, tuyến dân cư xuống cấp nhanh, nhân dân không mặn mà vào ở tại các khu này.
Các hộ dân triển khai xây dựng nhà ở trên tuyến dân cư vượt lũ ở tỉnh An Giang. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Theo đánh giá, tại các địa phương nhiều hộ không có khả năng chi trả các khoản nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Điển hình như tỉnh An Giang đã xét duyệt đối tượng 29.878 hộ/30.479 hộ, đã vào ở là 29.313 hộ. Các hộ đã ký khế ước vay với tổng giá trị 287,15 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã thu nợ được 25,85 tỷ đồng, số còn lại phải thu hồi là 261,30 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn năm 2012 và đến hạn năm 2013 là 119,71 tỷ đồng.
Tại tỉnh Đồng Tháp đã xét duyệt được 36.901 hộ, đã bố trí vào ở là 34.722 hộ, các hộ đã ký khế ước vay Ngân hàng Chính sách xã hội 22.359 hộ, với tổng giá trị 174,81 tỷ đồng. Đến nay, Đồng Tháp đã thu nợ được 26,89 tỷ đồng, số còn lại phải thu hồi là 147,91 tỷ đồng, dư nợ 94,2 tỷ đồng và tỉnh Đồng Tháp còn dư nợ 231,16 tỷ đồng.
Tương tự, tỉnh Long An, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã hướng dẫn ký khế ước nhận nợ vay 11.4 lô/17.671 lô thuộc diện đối tượng. Đến cuối tháng 3/2013, tổng số vốn tỉnh Long An đã trả cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam từ đầu chương trình là 77,635 tỷ đồng. Tổng dư nợ từ đầu chương trình là 287,677 tỷ đồng. Riêng năm 2013, tổng dư nợ tính đến tháng 3/2013 là 96,897 tỷ đồng. Tỉnh Kiên Giang đến nay cũng còn dư nợ ngân hàng trên 199,47 tỷ đồng.
Mặc dù thời gian qua các địa phương trên đã có nhiều nỗ lực trong việc trả nợ vay cho ngân hàng, nhưng hầu hết các tỉnh trong vùng (trừ thành phố Cần Thơ) gặp rất nhiều khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương. Chỉ riêng 4 tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đến nay đã có tổng dư nợ ngân hàng trên 979,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chưa trả nợ vay ngân hàng chủ yếu là các đối tượng vay đến nay vẫn là hộ nghèo, rất khó khăn và không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Ngoài việc gặp khó khăn do số dư nợ lớn, nợ quá hạn tăng cao thì tỷ lệ hộ dân đưa vào các cụm tuyến dân cư cũng thực hiện chậm và đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể như tỉnh Long An mới chỉ đạt khoảng 47% kế hoạch (15.474 lô/32.889 lô). Đời sống của hầu hết các hộ dân ở khu dân cư vượt lũ nghèo, cuộc sống rất khó khăn cần được Nhà nước tiếp tục đầu tư hỗ trợ. Nhiều tỉnh phát sinh thêm các điểm ngập và sạt lở mới, đòi hỏi Nhà nước cần phải đầu tư thêm…
Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, ngày 9/8/2013 vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét. |
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên, nhiều địa phương đã kiến nghị với Trung ương các giải pháp khắc phục. Cụ thể, tỉnh Long An đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho tỉnh được khoanh nợ đối với nguồn vốn vay chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ và được hạch toán theo dõi riêng; đồng thời đề nghị khoản vốn vay này không nằm trong tổng mức dư nợ từ nguồn huy động để đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của ngân sách tỉnh.
UBND tỉnh cam kết tiếp tục chỉ đạo các huyện thực hiện nhiệm vụ đưa dân vào ở trên cụm, tuyến dân cư, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của 9 huyện vùng lũ. Các huyện sẽ tích cực rà soát nguyên nhân người dân chưa vào ở để đề xuất triển khai các giải pháp xử lý phù hợp với từng cụm, tuyến, nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa dân vào ở để có nguồn hoàn trả nợ vay cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Còn tỉnh Vĩnh Long thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho giãn nợ vay thêm 5 năm nữa.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, từ những khó khăn và kiến nghị của các địa phương về việc trả nợ đối với nguồn vay chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 1 đã đến hạn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với lãnh đạo các địa phương rà soát, tổng hợp chung tình hình nợ vốn vay tôn nền cụm, tuyến dân cư vượt lũ khu vực ĐBSCL để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý.
Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, ngày 9/8/2013 vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý. Hướng đề xuất theo hướng cho phép giãn, hoãn nợ nguồn vốn vay mua nền nhà và nhà ở trả chậm đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn để người dân có thêm thời gian tích lũy và trả nợ. Cho phép các địa phương áp dụng các thủ tục đơn giản trong việc bán đấu giá nền nhà trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và chịu trách nhiệm về việc bán đấu giá đó (không nhất thiết phải đấu giá tại các trung tâm bán đấu giá tài sản); có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phương để hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ đang xuống cấp và tạo điều kiện về vốn vay cho người dân nghèo sửa chữa nhà ở (đến nay nhiều nhà đã xuống cấp).
Ngoài ra, ông Nguyễn Phong Quang cũng cho biết, suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư theo quy định của Chính phủ không phù hợp với tình hình biến động giá cả vật tư, vật liệu xây dựng nên Ban đã đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh suất đầu tư cho phù hợp, nhằm đảm bảo thực hiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thiết yếu; xem xét, bổ sung thêm mức cho vay đầu tư xây dựng 1 căn hộ chính sách từ 20 triệu đồng lên mức khoảng 35 triệu đồng/căn.
Ngọc Thiện