Việc cưỡng chế hàng trăm căn nhà không phép tại huyện Bình Chánh là công việc buộc phải thực hiện của chính quyền TP Hồ Chí Minh nhằm chấn chỉnh trật tự xây dựng đô thị. Tuy nhiên, qua sự việc này cho thấy, nhu cầu về nhà ở của một bộ phận không nhỏ người dân nhập cư là chính đáng.
Tăng cường giám sát
Theo người dân tại các xã Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), từ khi cơ quan chức năng quyết liệt xử lý, tình trạng xây dựng nhà không phép đã có dấu hiệu tạm lắng, không còn diễn ra rầm rộ như trước. Ông Nguyễn Văn Hai, sống tại ấp 1, xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh) nhìn nhận: “Vừa qua, chính quyền đã kiên quyết xử lý, yêu cầu tháo dỡ và cưỡng chế hàng trăm căn nhà xây dựng không phép. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh công tác trật tự xây dựng đô thị. Là người dân địa phương, chúng tôi rất bức xúc khi thấy sự lộng hành của các “đầu nậu” xây dựng và một số cán bộ địa phương có hành vi tiếp tay, buông lỏng quản lý để tình trạng xây dựng không phép diễn ra tràn lan”.
Những căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. |
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tươi cũng thừa nhận: “Hiện nay, tuy tình hình xây dựng nhà không phép đã tạm yên nhưng chưa ổn”. Về nguyên nhân, theo ông Tươi, do lực lượng quản lý tại các xã quá mỏng trong khi địa bàn xã rất lớn nên chính quyền xã khó quản lý. Do vậy, để có thể ngăn chặn việc “tái xuất” của những căn nhà không phép, UBND huyện Bình Chánh đã kiến nghị với UBND TP chấp thuận cho phép UBND huyện Bình Chánh được thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) trực thuộc UBND huyện. Hiện nay, đội này đang trực thuộc Phòng Quản lý đô thị.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng kiến nghị UBND TP cho phép cán bộ Đội QLTTĐT được phân công trực tiếp công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện, được phép lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng. Bởi hiện nay, việc lập biên bản này chỉ do cán bộ địa chính xây dựng xã, thị trấn đảm nhiệm nhưng do lực lượng này rất mỏng, không đảm bảo phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời.
Trước mắt, để đảm bảo công tác quản lý trật tự xây dựng đi vào nề nếp, ông Tươi cho biết: “Cán bộ địa chính các xã hiện chỉ có 2 đồng chí. Thường vụ Huyện ủy cũng đồng ý tăng cường lực lượng này nên thời gian tới, chúng tôi tăng cường thêm 2 cán bộ ở các xã “nóng”. Do đó, huyện xin chỉ đạo của UBND TP, nếu TP không cho bố trí thêm nhân lực thì chúng tôi sẽ hợp đồng thuê người. Đồng thời, huyện cũng giao cho Phòng Quản lý môi trường cử cán bộ về giúp tại các xã “nóng” thì mới kiểm soát tốt được tình hình xây dựng trên địa bàn”.
Cần có chính sách phù hợp
Theo ông Tươi, huyện Bình Chánh đang có những bất cập trong việc sử dụng đất nông nghiệp. Thực tế, trong những năm qua, huyện Bình Chánh có tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh, diện tích đất nông nghiệp đang giảm dần với bình quân hơn 505 ha/năm, dân số cơ học tăng trung bình khoảng 30 ngàn người/năm, chủ yếu là người lao động nghèo nhập cư.
Với nhận thức về pháp luật còn thấp và xuất phát từ nhu cầu bức thiết về nhà ở, nhiều người dân đã bị thiệt hại nặng nề do vi phạm quy định xây dựng. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, huyện Bình Chánh nên tính toán, chuyển đổi đất nông nghiệp ở những xã nói trên thành đất ở. Cách làm này vừa tạo thêm nguồn thuế để đầu tư vào các công trình phúc lợi, vừa góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người dân.
“Nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư là có thật. Họ làm ra của cải cho xã hội nhưng chính sách của mình “chưa tới”. Mình có xây dựng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp nhưng mà họ chưa mua nổi. Vừa rồi, Ban thường vụ Huyện ủy đã họp bàn những giải pháp giải quyết nhà ở cho các đối tượng này và tôi cũng yêu cầu các xã đề xuất các khu vực để kêu gọi đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có nhà đầu tư nào chịu xây dựng những căn hộ chỉ 50 - 60 m2, thậm chí 40 m2 với kinh phí xây dựng thấp dành cho người nghèo, dân nhập cư hay không. Vấn đề này cần tính kỹ và phải có chủ trương của thành phố”, ông Nguyễn Văn Tươi cho biết.
Bài và ảnh: Anh Đức