Theo thống kê của Bộ Công Thương, sản lượng giầy dép da tháng 4 đạt 17,2 triệu đôi, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng sản lượng 4 tháng lên triệu đôi, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 4 tháng đạt 2,25 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2012 trở lại đây (trừ tháng 1 là tháng có Tết Nguyên đán).
Theo các chuyên gia kinh tế, khi gia nhập WTO, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ cùng với các chính sách thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu của Chính phủ, Việt Nam sẽ trở thành một địa điểm đầu tư lý tưởng cho các nhà sản xuất da giày. Tuy nhiên, năng lực xuất khẩu của ngành da giầy vẫn còn yếu do các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này thiếu khả năng tự thiết kế mẫu mã, tự đảm bảo vật tư nguyên liệu, qui mô sản xuất chưa đủ lớn, giá thành chi phí sản xuất cao. Hiện nay, xuất khẩu da giầy của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thị trường thế giới có nhiều biến động và nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu. Cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm giầy dép mới chỉ chiếm 40 - 45% (chủ yếu là đế giầy và chỉ khâu giầy) trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu.