Nền kinh tế châu Âu đã bộc lộ dấu hiệu sa sút toàn diện khi các "đầu tàu" như Đức, Pháp, Anh và Italia đang “ngấm đòn” nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công trong khi Xlôvênia bị ba hãng xếp hạng tín dụng hạ mức xếp hạng chỉ trong vòng một tuần.
Kinh tế sa sút khiến cuộc sống của người dân châu Âu rơi vào khó khăn. Ảnh: Internet |
Hôm 8/8, Fitch đã hạ một bậc mức xếp hạng nợ ngắn hạn của Xlôvênia xuống A-, triển vọng nợ ngắn và dài hạn bị đánh giá là "tiêu cực". Theo báo cáo của Fitch, cơ quan này đã nhận thấy chiều hướng tiếp tục sa sút trong hoạt động của khu vực ngân hàng Xlôvênia và sự chậm trễ của chính phủ nước này trong việc thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu để đáp ứng các nhu cầu về tài chính và tái cấp vốn cho khu vực ngân hàng. Fitch dự đoán vào năm 2013, Xlôvênia cần "bơm" thêm 2,8 tỷ euro (3,5 tỷ USD), tương đương 8% GDP của nước này, cho khu vực ngân hàng.
Cách đây một tuần, hãng xếp hạng tín dụng Moody's cũng đã hạ mức xếp hạng trái phiếu chính phủ của Xlôvênia từ A2 xuống Baa2. Ngay sau đó, hãng Standard & Poor's cũng hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Xlôvênia từ A+ xuống A.
Trong những năm qua, kinh tế Đức dường như "miễn nhiễm" trước cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Tuy nhiên, một loạt số liệu kinh tế công bố gần đây cho thấy ngay cả nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cũng dần không kháng cự lại nổi "cơn sốt" khủng hoảng nợ và có thể rơi vào suy thoái cuối năm nay.
Đức là nền kinh tế "mở" nên tuyến đường "lây nhiễm" rõ ràng là từ khu vực xuất khẩu. Đức hiện là nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, và cho tới gần đây xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế này. Theo thống kê của văn phòng thống kê quốc gia Đức Destatis, sau khi tăng 4,1% trong tháng 5/2012, xuất khẩu của nước này đã giảm 1,5% trong tháng 6/2012, nhập khẩu cũng giảm 2,9%. Số đơn đặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp trong tháng 6/2012 giảm 1,7% (mạnh hơn dự báo) và sản lượng công nghiệp giảm 0,9%. Trong tháng 7/2012, chỉ số lòng tin của giới kinh doanh giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, trong khi chỉ số lòng tin của người tiêu dùng chạm mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây.
Giới phân tích cho rằng, các số liệu bi quan nói trên báo hiệu tương lai ảm đạm đối với nền kinh tế Đức, chứng tỏ cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro (Eurozone) đang ngày càng tác động xấu đến nền kinh tế lớn nhất khu vực và đe dọa sức mạnh kinh tế của cả Eurozone.
Trong khi đó, hôm 9/8, Ngân hàng trung ương Pháp đã cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu này sẽ lại lâm vào suy thoái lần thứ hai trong vòng ba năm, với GDP dự kiến giảm 0,1% trong quý III/2012, sau khi đã giảm với mức tương tự trong quý II và tăng trưởng 0% trong quý I. Trước đó, chính phủ Pháp đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này từ 0,4% xuống 0,3% năm 2012 và từ 1,7 % xuống 1,2% năm 2013.
Nền kinh tế Pháp gặp khó khăn trong khôi phục động lực tăng trưởng do sự không chắc chắn về số phận của đồng euro và các vấn đề liên quan trên các thị trường tín dụng đã khiến người tiêu dùng và nhà đầu tư hủy hoặc trì hoãn các quyết định chi tiêu lớn.
Tại Anh, Ngân hàng Trung ương nước này (BoE) dự báo, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 0% trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 0,7% mà BoE đưa ra cách đây không lâu, do đà phục hồi của nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone. GDP của Anh đã giảm 0,7% trong quý II/2012 sau khi đã giảm 0,3% quý I và giảm 0,3% trong quý IV/2011.
Theo số liệu thống kê mới nhất của chính phủ Italia, nền kinh tế của nước này đang trượt sâu vào suy thoái, khi quý II/2012 là quý thứ 4 liên tiếp kinh tế tăng trưởng âm.
Tăng trưởng kinh tế trong quý II/2012 của Italia đã giảm 0,7% so với quý I/2012 và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, là thời điểm tồi tệ kể từ quý IV/2009.
Cơ quan thống kê ISTAT cho biết, hoạt động kinh tế sụt giảm trong tất cả lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Chính phủ Italia dự kiến, nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục sụt giảm khoảng 1,2% trong năm nay.
Minh Hạnh