Từ nay đến hết tháng 4, nếu không có mưa, toàn tỉnh Kon Tum sẽ bị hạn hán khốc liệt ở cuối vụ. Chạy đua với thời tiết, các cấp, các ngành trong tỉnh Kon Tum đang nỗ lực hết mình, chắt chiu từng giọt nước, để cứu lấy cây trồng. Bài 1: Lúa hạn khó cứuMấy ngày nay, người dân ở thôn 5 thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đã phải thay nhau bơm nước tưới ruộng. Cả thôn chỉ có một ít diện tích lúa nước gieo chạy theo dọc con suối Hố Chuối đã bị khô hạn. Tuy nhiên, nỗ lực bơm nước cứu lúa của dân cũng chẳng thấm vào đâu. “Tưới như vậy chỉ cứu được cho cây lúa nó sống, chứ còn để phát triển thì chắc không thể”, anh Trần Hồng Hưng, Thôn trưởng thôn 5 thị trấn Đăk Rve, khẳng định.
Đã có 2 sào lúa gieo quanh con suối Hố Chuối bị hạn. Thời gian qua, mặc dù chính quyền đã khuyến cáo người dân tưới tiết kiệm, luân phiên, nhưng thực tế thì ở nơi đây mạnh ai nấy làm. Ai tưới trước thì được hưởng, tưới sau đành chịu vì hết nước. Con suối Hố Chuối rộng khoảng 5 - 7m bề ngang, nhưng hiện tại lòng suối trơ đáy, nước chủ yếu là các dòng chảy nhỏ len lỏi ở các điểm trũng. Một số hộ dân đã tự lấy đá, đất đắp lại thành bờ để tích ít nước rồi bơm cho lúa.
Chị Y Minh, ở thôn 5 thị trấn Đăk Rve huyện Kon Rẫy bức xúc cho biết: “Mặc dù đã có phân công điều tiết nước nhưng người dân chặn nước ở đầu nguồn, không cho nước về. Một số hộ lấy đá chèn vào cống dẫn để đưa nước vào ruộng thì chúng tôi lấy nước đâu mà tưới”.
Quả thật, nhìn 1 sào lúa nước của chị Y Minh cùng thực trạng con suối Hố Chuối thì diện tích lúa gieo nơi đây không thể cứu được. Đất nứt nẻ, lúa mới gieo mà đã ngả vàng. Nước bơm tưới lên bờ ruộng chảy tưới đâu thì thấm tới đó, không đủ lan cho các điểm khác. “Hạn hán như vậy thì lấy gạo đâu ăn. Tôi mong cứu vớt được phần nào diện tích lúa, nhưng mà chắc cũng không được. Gia đình vừa trồng bời lời chưa được thu; cao su, cà phê không có, đất đai không có nhiều, chắc phải đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo”.
Theo ông Nguyễn Xuân Biên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve, ngay từ đầu mùa, thị trấn đã khảo sát và khuyến cáo bà con không được gieo lúa nước trên diện tích này mà chuyển đổi sang cây trồng khác vì ở đây không đủ nước tưới, nhưng bà con vẫn xuống giống gieo cấy. “Hiện thị trấn đã vận động bà con và các ngành ở thị trấn nạo vét kênh mương để đưa nước về tưới các diện tích khô hạn. UBND thị trấn cũng hỗ trợ tiền dầu, máy, bà con bỏ công ra để bơm nước tưới cho các diện tích bị khô hạn. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì nguồn nước rất khó khăn bởi vì nắng hạn kéo dài”, ông Biên cho biết.
Tại thành phố Kon Tum, đập Cà Tiên cũng gần như khô cạn. 20 ha lúa hưởng lợi từ công trình này gần như bỏ hoang. Ông Nguyễn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết thành phố Kon Tum, cho biết: Tại đập Cà Tiên đang thiếu nước và ảnh hưởng tới 20 ha lúa của dân thôn 7.
Đập Cà Tiên nhiều năm qua luôn là điểm “nóng” của tỉnh Kon Tum trong mùa khô. Sự việc kéo dài, nhưng chính quyền vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Đến vụ đông xuân 2014 - 2015, mới đầu mùa khô, con đập trên đã cạn nước. Trước thực trạng trên, chấp nhận mất vụ đông xuân, chính quyền đang tổ chức nạo vét lại con đập này để lo cho các vụ sau. Tuy nhiên, theo quan sát thì việc nạo vét cũng khó triệt để vì bị ảnh hưởng nhiều từ đường dây điện cao thế 500 kV. Hiện đơn vị thi công đành xây thêm một thành đập cao khoảng 1 m để tích nước.
Bài và ảnh: Cao Nguyên