Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương chống hạn, mặn

Tình trạng thiếu nước ngọt và mặn xâm nhập sớm vào nội đồng diễn ra từ giữa tháng hai đến nay ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa và cây trồng. Các địa phương đang cấp bách thực hiện nhiều phương án để đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Nông dân ở Sóc Trăng khoan giếng lấy nước ngọt bơm tưới cho lúa, mặc dù các ngành chức năng đã khuyến cáo không nên. Ảnh: T.H


Hạn, mặn đến sớm

Từ thời điểm Tết Nguyên đán đến nay, ngày nào anh Phan Văn Thi (ở xã Long Thuận, thị xã Gò Công, Tiền Giang) cũng ra đồng từ rất sớm để canh bơm lấy nước cho thửa ruộng hơn 1 ha. Theo anh Thi, do lúa đang vào giai đoạn làm đòng nên rất cần nước dưới chân ruộng, đồng thời phải có nước để bón phân “rước hạt”. Tuy nhiên, từ Tết đến giờ, nước ngọt còn lại dưới tuyến kênh nội đồng rất thấp, chỉ một hộ dân đặt máy bơm hút thì hầu như không còn nước cho các hộ khác. Chính vì thế, anh phải “canh” hộ bên cạnh vừa bơm xong để đến lượt mình luôn. “Tuy nhiên, cũng phải nhường nước cho nhau, ruộng nào đã đến thời điểm bón phân rước hạt thì ưu tiên trước. Năm trước đến mùa này nước vẫn còn đủ để bơm lên ruộng nhưng năm nay thì thiếu trầm trọng. Nếu cứ đà này thì phải bơm nước tích trữ từ các ao lên để cứu lúa thôi”, anh Thi cho biết.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, đã có trên 2.000 ha lúa ở giai đoạn 50 - 70 ngày tuổi bị đe dọa thiệt hại do hạn, mặn nếu không có giải pháp ứng cứu kịp thời tại các huyện vùng dự án ngọt hóa Gò Công (gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công). Ngoài ra, còn có khoảng 6.000 ha lúa trong vùng có nguy cơ thiếu nước bơm tưới, bị khô hạn vào cuối vụ bởi thời điểm này các cống đập trong vùng phải đóng toàn bộ để ngăn mặn triệt để.

Tình trạng khô hạn và mặn xâm nhập sớm cũng đang diễn ra tại tỉnh Hậu Giang. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước mặn đã tràn về một số địa phương trên địa bàn, nhiều nơi độ mặn đo được lên đến 2%o. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng gay gắt vào những ngày gần đây đã khiến mực nước trên đồng rút xuống nhanh. Nhiều nơi đã xảy ra thiếu nước cục bộ khiến nước nặm xâm nhập sâu vào nội đồng, gây nhiễm mặn trên diện rộng. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, với đà nắng nóng và mặn xâm nhập nhanh như hiện nay đã đe dọa hơn 25.000 ha lúa vụ đông xuân tại các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A, Long Mỹ, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

Không chỉ Tiền Giang hay Hậu Giang, nhiều tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… cũng đang trong tình trạng tương tự. Tại Trà Vinh, nước mặn đã lấn sâu vào nội đồng hơn 50 km. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, độ mặn đã tăng hơn từ 5,6 - 7,7%, ảnh hưởng đến hàng ngàn ha lúa vụ đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Trong khi đó, tình trạng xâm nhập mặn tại Bạc Liêu cũng đang ở mức báo động khi độ mặn đo được trên nhiều tuyến sông cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Điều này đã uy hiếp nghiêm trọng hơn 20.000 ha lúa Đông xuân của tỉnh, đặc biệt là hai huyện Phước Long và Hồng Dân.

Trữ nước chống hạn

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn được đánh giá là diễn ra sớm hơn mọi năm ở ĐBSCL do sự ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã vào sâu khu vực nội đồng từ 40 - 60 km với tỉ lệ mặn từ 1 - 3%o, có nơi lên đến mức 5 - 6%o và dự báo sẽ còn tăng cao, kéo dài cho đến tháng 5/2015.

Trước tình hình trên, các tỉnh trong vùng đã và đang triển khai khẩn cấp các giải pháp để chống và ngăn ngừa nhiễm mặn lan rộng bằng cách hạn chế xâm mặn tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng và bơm nước ngọt nhằm giảm nhiễm mặn cho các khu vực bị nước mặn xâm nhập, cũng như chống hạn.

Kiên quyết không để hạn và mặn gây thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư gần 25 tỉ đồng để nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng và tổ chức bơm chuyền hai cấp nhằm đưa nước tới vùng đang bị hạn, mặn. Theo đó, tỉnh tổ chức nạo vét 1 tuyến kênh nội đồng bị cạn hoặc bồi lấpvới chiều dài trên 126.000 m; đắp 166 đập và tổ chức gần 200 điểm bơm chuyền hai cấp để cứu diện tích lúa nằm trong vùng trọng điểm khô hạn. Trong khi đó, tại những địa phương còn nước ngọt nhưng có nguy cơ khô hạn, ngành nông nghiệp tổ chức bơm trữ nước vào các ao, hồ và các tuyến kênh nội đồng.

Trong khi đó tại Bạc Liêu, ngành nông nghiệp tỉnh đã đầu tư trên 83 tỷ đồng để triển khai thi công trên 300 công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng nhằm đối phó với hạn và xâm nhập mặn. Để đảm bảo nguồn nước tưới, các địa phương đang hướng dẫn nông dân tranh thủ những con nước lớn từ kênh xáng Phụng Hiệp đổ về để bơm lấy nước vào các kênh nội đồng, đồng thời trữ nước vào các vùng trũng để đảm bảo công tác tưới tiêu đến cuối vụ. Còn tại tỉnh Hậu Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đã chỉ đạo các địa phương tiến hành kiểm tra lại hệ thống đê bao, các trạm bơm điện để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng để bảo vệ tốt cho lúa đông xuân 2014 - 2015 và vụ xuân hè 2015. Đồng thời chuẩn bị đắp đập thời vụ khi độ mặn ở các tuyến sông, kênh lớn vượt trên 2%o. 

Hiện các tỉnh cũng khuyến cáo bà con nông dân nằm trong vùng có nguy cơ  hạn, mặn cần chủ động gia cố lại hệ thống ô đê bao, bơm nước tích trữ vào ao hồ, đồng ruộng và hạn chế xuống giống vụ lúa xuân hè ở thời điểm khô hạn cao. Riêng các nhà vườn, hộ trồng rau, nuôi cá trên sông hoặc ao hồ… cần theo dõi độ mặn trên sông hoặc thông báo trên báo, đài để kịp thời có kế hoạch tưới tiêu, bảo vệ vườn cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả nhất.


M.T

Bình Định gồng mình chống hạn
Bình Định gồng mình chống hạn

Kể từ cuối năm 2013 đến nay, tại Bình Định, nắng nóng diễn ra gay gắt và lượng mưa ít ỏi, nên tình trạng nắng hạn nặng đã xảy ra trong nhiều tháng qua tại một số địa phương. Đây cũng là đợt hạn hán nặng nhất trong 30 năm trở lại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN