Ngày 7/4, lễ kỷ niệm 70 năm cắm cờ Đảng trên núi Thày và lễ khai hội chùa Thày đã được huyện Quốc Oai, Hà Nội long trọng tổ chức dưới chân núi Thày (xã Sài Sơn).
Núi Thày được Xứ ủy Bắc kỳ chọn làm nơi đầu tiên xuất hiện lá cờ Đảng. Tại nơi này, mảnh đất Sài Sơn chính là cái nôi cách mạng của tỉnh Sơn Tây (cũ). Năm 1936, Sài Sơn đã có tổ Đảng, năm 1937 có chi bộ Đảng lâm thời và năm 19 chi bộ Đảng thôn Đa Phúc trở thành chi bộ Đảng chính thức và là chi bộ đầu tiên của tỉnh Sơn Tây.
Cách đây tròn 70 năm, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định tổ chức một cuộc đấu tranh tuyên truyền, gây thanh thế mạnh mẽ cho cách mạng nhân dịp chính quyền thực dân và phong kiến tại Sơn Tây ra lệnh cho tổng lý Lật Sài mở hội chùa Thày. Sáng ngày 14/4/1941, hàng trăm tờ truyền đơn được rải khắp các trục đường khu vực xã Sài Sơn. Các đảng viên, chiến sỹ cách mạng thôn Đa Phúc bí mật bám theo dòng người trảy hội, giấu cờ và pháo trong người.
Đúng 11 giờ trưa, khi các quan khách đang tề tựu ở chùa thì bất ngờ một tràng pháo nổ vang, lá cờ đỏ in hình búa liềm rộng 3 mét vuông tung bay trên đỉnh núi. Đây là sự kiện ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc cách mạng của nhân dân tỉnh Sơn Tây, mở đầu cho cuộc đấu tranh giành chính quyền. Sài Sơn cũng là nơi được Trung ương chọn làm An toàn khu và vinh dự được in dấu chân Bác Hồ trên chặng đường chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cùng với các lễ hội lớn khác, chùa Thày là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch, mỗi năm đón trên 20 vạn khách tới tham quan. Nơi đây có nhiều hang động gắn với truyền thuyết và sự kiện lịch sử như hang Cắc Cớ, hang Thánh Hóa, Cổng Trời… Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý; kết cấu theo kiểu chữ Tam, phía trước có hồ Long Trì, hai bên có Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều. Thiên Phúc Tự (chùa Cả) là một ngôi chùa cổ kính nhất vùng, vừa có giá trị về di sản văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cũng như giá trị lịch sử.
Đinh Thị Thuận