Năm nào cũng vậy, đến thời điểm giữa tháng Chạp khi tiết xuân se lạnh làm bật tung những chùm nụ mơn mởn chúm chím trên cành mai, cành đào khẳng khiu, chính là lúc mùa hái lá dong Tết tại các huyện vùng sâu của tỉnh Lào Cai thực sự bắt đầu. Dù chỉ tập trung thu hoạch trong vòng nửa tháng, nhưng không thể phủ nhận nhiều hộ dân ở đây có thêm cái tết đủ đầy nhờ nguồn thu từ lộc rừng - lá dong. Dong rừng vào mùa Tết. Ảnh: baogialai.com.vn
|
Không như các địa phương khác, lá dong tại Lào Cai chủ yếu được lấy trong rừng già bởi vậy lá dày hơn loại được trồng trong vườn nhà. Bánh chưng được gói bằng loại lá này, khi luộc chín màu lá vẫn xanh, ruột bánh cũng xanh màu lá, thơm, ngon và đậm mùi hương của núi rừng.
Bước vào mùa hái lá dong, ngày nào chị Nông Thị Lan, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai cũng dậy từ 5 giờ sáng bất chấp cái lạnh cắt da cắt thịt cùng mọi người vào rừng hái dong. Chị khoác lên lưng chiếc gùi mây, hai bên dắt hai con dao sắc, một chiếc giỏ đựng cơm trưa, đi chiếc ủng đỡ trơn trượt, vậy là xong xuôi hành lý để lên đường.
“Ở đây, lá dong nhiều lắm, mọc dọc khe suối dưới tán rừng. Nhưng muốn chọn được những lá to và đẹp để bán vào dịp tết thì cần phải đi vào những cánh rừng già mới có. Thường thì từ bản lên đến núi để lấy lá dong mất khoảng 3 km đường đồi núi, nên phải đi sớm, đến chiều tối mới kịp về. Mỗi người lấy được khoảng 1.000 lá dong cũng phải hết nửa ngày trên núi đấy" - chị Lan tâm sự.
Mất khoảng 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được điểm hái lá là giữa lưng chừng núi Khuổi Ngoa hùng vĩ. Cả một rừng lá dong xanh mướt một màu mọc chen nhau dọc khe con suối Nhù dưới tán rừng già cổ thụ. Lá dong thường mọc ở những nơi ẩm ướt, đặc biệt các khe nước, càng những chỗ độ ẩm cao lá dong lại càng xanh và to.
Hái lá dong không ảnh hưởng gì đến môi trường rừng, thậm chí do được chặt tỉa thường xuyên, cây lá còn phát triển nhanh và tốt hơn. Trước đây lá dong có ở khắp các địa phương trong tỉnh, nhưng nay do tốc độ đô thị hóa, rừng cũng được giao khoán cho các tổ chức cá nhân nên việc hái lá không phải ai cũng có thể tự do làm được. Nhiều chủ rừng thấy được nguồn lợi từ lá dong đã khoanh vùng bảo vệ để kinh doanh.
Người dân bản địa cho hay, lá dong rừng có hai loại là: "Toong po"- tiếng Tày là lá đực, rất to nhưng màu không được xanh, khi gói bánh chưng không có mùi thơm của lá và "Toong me"- lá dong nhỏ hơn, gọi là lá cái, màu lá xanh mướt - đây là loại lá dong luôn được thị trường ưa chuộng, có chiều rộng từ 22 - 25 cm, dài 50 - 60 cm, vừa vặn với khuôn bánh chưng.
Tuy nhiên, đối với những người không có kinh nghiệm hái lá, khi đi rừng sẽ dễ nhầm lẫn với loại lá dong khác tương tự lá để gói bánh, song trên bề mặt hơi có một lớp lông mịn, người bản địa gọi là "Toong tưới" khi ăn vào sẽ buồn ngủ rũ rượi. Người đã quen, có thể nhìn cây mà chọn lá. Lấy lá vừa đủ độ, không non cũng không già và người dân địa phương gọi là lá "bánh tẻ". Lá già khi gói bánh sẽ rất khó bởi lá giòn, dễ gãy; lá quá non lại không thể ép được. Khi cắt lá, cần cầm lá cẩn thận không để lá rách, gãy, mũi dao sắc đưa gọn đứt rời cuống lá, không làm ảnh hưởng đến những lá khác. Công việc nhẹ nhàng, nhưng vẫn đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay để bảo vệ những lá dong cho đến tay người gói bánh.
Chị Lan cho biết: Từ bé chị đã theo bố mẹ đi lấy lá dong rừng về gói bánh và dùng mỗi khi nhà có việc nhưng vào dịp tết người làng đi lấy lá về bán coi như có thêm tiền sắm tết, mua cho người già, con trẻ bộ quần áo mới chơi xuân. Với giá bán từ 25.000 đến 30.000đ/100 lá, mỗi cái Tết chị Lan cùng nhiều hộ gia đình khác ở Chiềng Ken lại có thêm từ 4,5 đến 5 triệu đồng sắm sửa hàng Tết.