Rộn ràng Tết Đầu lúa của đồng bào vùng cao

Ngày 14/1 (nhằm ngày 14/12 Âm lịch), đồng bào Raglai và K'ho thuộc 4 xã miền núi Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến, Phan Điền thuộc huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã cùng nhau tụ họp về xã Phan Điền để tưng bừng đón Tết Đầu lúa. Đây là ngày Tết quan trọng, mang nhiều nét văn hóa độc đáo, sinh động của cộng đồng người Raglai, K’ho đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.


Tết Đầu lúa hay còn gọi là Tết Nhôbrêhê, Lễ ăn lúa mới… của đồng bào Raglai, K’ho có từ rất lâu đời và gắn liền với tập tục trồng lúa rẫy của đồng bào. Theo già làng Mang Khe, xã Phan Lâm, Tết Đầu lúa thể hiện sự tôn vinh và niềm tin của bà con đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu cho cây lúa không bị quấy nhiễu, không bị sâu rầy, bệnh tật để cây lúa đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người.


Trước đây, khi còn trồng lúa rẫy, Tết Đầu lúa của người K’ho và Raglai diễn ra suốt trong tháng 12 âm lịch, có khi còn kéo dài đến nửa đầu tháng Giêng với rất nhiều hoạt động. Hiện nay, Tết Đầu lúa của bà con chỉ gói gọn trong 2 ngày 14 và 15/12 Âm lịch, với nhiều hoạt động thông qua Ngày hội văn hóa thể thao các xã vùng cao.


Ngay từ sáng sớm, các đoàn đã cùng nhau kéo về Trung tâm văn hóa xã Phan Điền để dựng trại, dựng lều và tổ chức nấu nướng, ăn uống vui Tết truyền thống của dân tộc. Sau các nghi thức lễ cúng hạt lúa mới của các già làng, trưởng bản là phần hội. Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như: Thi bắn nỏ, thi gùi nước về làng, thi dựng cây nêu, biểu diễn trang phục dân tộc…


Tết Đầu lúa giờ đây đã trở thành một ngày hội đoàn kết của bà con 4 xã vùng cao huyện Bắc Bình và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách đến tìm hiểu, nghiên cứu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào nơi đây.

 

Hồng Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN