Sau “cú sốc” hàng trăm hộ dân ở làng cổ Đường Lâm ký đơn đòi được trả danh hiệu Di tích Quốc gia còn chưa kịp lắng, thì dư luận lại thêm một lần bất ngờ với thông tin được ông Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn (Hà Giang) cung cấp tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá được tổ chức ngày 11/7 vừa qua: Chủ nhân của trên 10 ngôi nhà ở phố cổ Đồng Văn đề nghị trả lại bằng Di tích Quốc gia để được cải tạo ngôi nhà có danh di sản nhưng đang trong tình xuống cấp nghiêm trọng, không thể tiếp tục sinh sống.
Phố cổ Đồng Văn (huyện Đồng Văn) được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng bởi những nét độc đáo riêng của vùng cao nguyên đá miền biên giới phía Bắc. Phố cổ Đồng Văn còn giữ được khoảng 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ được xây dựng theo lối kiến trúc hai tầng, nền đất; cột và sàn nhà làm bằng gỗ nghiến, gỗ lim; mái lợp ngói âm dương, loại ngói đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc; tường trình đất dày 40 - 50cm bảo đảm mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Tuy nhiên, hiện có 18 nhà đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng không thể tiếp tục sinh sống, bởi nó đang đe dọa tới sự an toàn của những người dân nơi đây.
Cả lãnh đạo huyện Đồng Văn cũng như tỉnh Hà Giang từng nhiều lần hứa với dân; cơ quan chức năng từng nhiều lần tiến hành khảo sát và đưa ra định hướng để bảo tồn, song những vướng mắc về kinh phí khiến mọi việc nhiều năm qua vẫn giậm chân tại chỗ. Cách đây vài năm, huyện đã dành một khu đất phục vụ giãn dân và mời các chuyên gia quy hoạch và thiết kế ở Hà Nội hỗ trợ. Nhưng các chuyên gia chỉ ngồi ở Hà Nội để “vẽ” nên các phương án đưa ra đều xa vời với đời sống cũng như phong tục của đồng bào, khiến dự án không thể triển khai.
Từ làng cổ Đường Lâm, giờ lại thêm nhà cổ Đồng Văn đề nghị trả lại danh hiệu cao quý, đã thực sự báo động về công tác quản lý di sản hiện nay. Nhiều người giật mình khi đến thời điểm này, vẫn chưa có một tiêu chí chung trong qui hoạch di sản; cũng không có điều luật nào điều chỉnh làng cổ, phố cổ. Bên cạnh đó là năng lực quản lý yếu kém của những người có trách nhiệm khiến nhiều năm dài vẫn không đưa ra được giải pháp cần thiết, dù biết rõ thực trạng bất hợp lý và đã kéo dài nhiều năm. Họ quên rằng, làng cổ Đường Lâm, phố cổ Đồng Văn… là những “di sản sống”, có sự phát triển hàng ngày, đòi hỏi phải ứng xử hoàn toàn khác với những di sản trên hồ sơ, “di sản chết”. Đó cũng là lý do khiến cơ quan quản lý nhà nước luôn rơi vào thế bị động trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Thực tế, ở hầu hết các di tích cổ, đã xảy ra tình trạng “con khóc, mẹ cũng không cho bú”, khiến lợi ích từ việc được công nhận là di sản chưa thấy, mà người dân lại phải chịu nhiều sự bất hợp lý. Hình như ở những di tích văn hóa và cũng là những địa danh du lịch rất hấp dẫn này, danh tiếng tỷ lệ nghịch với mức sống của người dân nên mới sinh ra phản ứng tiêu cực như trên. Có lẽ chỉ khi nào việc quy hoạch, bảo tồn và quản lý các khu di tích có hiệu quả, người dân địa phương được thụ hưởng lợi ích từ di tích mà mình đang sống và gìn giữ, thì khi đó mới người dân mới nói không với việc trả lại di tích. Đây vẫn là câu hỏi khó cho các nhà quản lý văn hóa hiện nay.
Yến Nhi