Ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Rô Men (Đam Rông) cho biết: Từ khi thực hiện Chương trình 30a, các công trình thiết yếu của xã đã được đầu tư, xây dựng. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ mở rộng các mô hình sản xuất, người dân đã vươn lên thoát nghèo. Nguồn thu nhập của người dân trong xã tăng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng giảm nhanh, hiện còn 44%. Nhiều công trình thiết yếu được đầu tư, xây dựng giúp đời sống của người dân ngày càng được nâng cao như: Mô hình nước sạch tự chảy, hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho 400 ha đất trồng, công tác khuyến nông được chú trọng hơn, hỗ trợ vốn giúp người dân đầu tư thêm máy móc, phân bón để nâng cao năng suất cây trồng…
Trong căn nhà gỗ mới được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của địa phương, ông Tô Văn Long, thôn 2, xã Rô Men, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi rất cực khổ, từ khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a, thu nhập gia đình tôi tăng lên hàng chục triệu đồng mỗi năm. Năm nay, tôi đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ cho các gia đình khác khó khăn hơn”.
Không chỉ xã Rô Men, mà hầu hết các địa phương khác trong huyện Đam Rông, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, còn trên 34%. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 5,7 triệu đồng so với năm 2009 - thời điểm trước khi triển khai Chương trình 30a. Đến nay, phần lớn người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa dần tư tưởng trông chờ ỷ lại, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn của Chương trình 30a và vốn lồng ghép từ những chương trình khác, địa phương đã thực hiện tốt các chương trình giúp đỡ người dân như hỗ trợ xây dựng hơn 500 nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, giao khoán hơn 44.000 ha rừng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS quản lý, bảo vệ; hỗ trợ phục hóa đồng ruộng, làm chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ giống cây con… giúp người dân nâng cao thu nhập. Công tác dạy nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng từng bước hoàn thiện, góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt của địa phương.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai Chương trình 30a vẫn có nhiều khó khăn, hạn chế cần giải quyết để đem lại hiệu quả cao hơn. Năm 2012, huyện Đam Rông đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 28% và nâng cao đời sống của người dân, như: Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng, tu sửa nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, tạo việc làm và phát triển ngành nghề chăn nuôi, tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân về công tác thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại, đồng thời giúp chống tái nghèo cho các hộ dân…, sớm giúp người dân ổn định cuộc sống, nhanh chóng vươn lên thoát nghèo.
Bài và ảnh: Nguyễn Dũng