Sau khi khảo sát cuộc sống của các hộ dân di cư ngoài kế hoạch tại huyện Đam Rông, đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND và các ban, ngành có liên quan của tỉnh Lâm Đồng.
Tình trạng di cư gia tăng đột biến đột biến dân số cơ học đã phát sinh tranh chấp đất đai, phá rừng làm rẫy. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
|
Tại buổi làm việc, đại diện chính quyền tỉnh Lâm Đồng báo cáo khái quát tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm; tình hình bố trí ổn định dân di cư ngoài kế hoạch từ năm 2005 đến nay. Đến hết năm 2016, số lượng dân di cư ngoài kế hoạch tới địa bàn tỉnh là 2.195 hộ với 7.183 nhân khẩu. Phần lớn các hộ đang sinh sống trong rừng, ven rừng và sống xen ghép tại các thôn bản, chủ yếu tại địa bàn các huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Di Linh và Lạc Dương.
Các hộ chủ yếu đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Hưng Yên, Hoà Bình, Nghệ An… Đa số đều là hộ nghèo, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp.
Tình trạng gia tăng đột biến đột biến dân số cơ học đã gây khó khăn cho quản lý hành chính, phát sinh tranh chấp đất đai, phá rừng làm rẫy, ảnh hưởng đến công tác quản lý và bảo vệ rừng. Để xảy ra tình trạng này, tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn thừa nhận có sự buông lỏng quản lý của một số địa phương. Có nhiều khu vực, người di cư vào phá rừng làm rẫy, sinh sống cả năm, chính quyền địa phương mới phát hiện; có vụ việc người di cư ngoài kế hoạch vào cả vùng lõi của rừng phòng hộ Sêrêpốk…
Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, một bộ phận lớn người di cư từ phía Bắc vào tiếp cận nhanh kỹ thuật canh tác, trồng cây công nghiệp dài ngày, đời sống phát triển, tạo thành các vùng chuyên canh như trồng quýt ở huyện Đạ Tẻh, trồng cà phê ở Đam Rông… Nhiều diện tích rừng bị người di cư ngoài kế hoạch phá, nay đã trồng cây công nghiệp dài ngày từ 5 - 7 năm, đang cho thu hoạch và sống ổn định. Bởi vậy khó có thể đưa các hộ này ra khỏi khu vực trên với lý do là đất rừng phòng hộ mà cần tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục pháp lý, Chủ tịch UBND tỉnh không đủ thẩm quyền, đây là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Với các nội dung báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, tham mưu cho tỉnh đánh giá lại tình hình di, dịch cư ngoài kế hoạch và đời sống vật chất, văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số; ra Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác dân tộc.
Qua kết quả khảo sát của đoàn và thông tin báo cáo của tỉnh, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến thay mặt đoàn công tác nhận định: Đối với những hộ đã sinh sống ổn định từ nhiều năm trong vùng đất rừng, hiện khó đưa ra ngoài vì không còn quỹ đất để bố trí; cũng không thể đưa về quê cũ vì các hộ đã di cư từ nhiều năm, qua nhiều địa phương nên không xác định được quê hương của họ. Bởi vậy tỉnh Lâm Đồng cần lập đề án sắp xếp ổn định dân cư tại chỗ, đề nghị Chính phủ thực hiện các thủ tục pháp lý thuộc thẩm quyền theo quy định để triển khai thực hiện. Đồng thời, có những biện pháp kiên quyết xử lý, không để người dân di cư ngoài kế hoạch tiếp tục kéo vào phá rừng làm rẫy, gây mất ổn định về an ninh chính trị và quản lý hành chính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên địa phương…