Bà Đỗ Hồng Phương, Cán bộ chính sách y tế và dinh dưỡng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ - UNICEF, trao đổi với Tin Tức về giải pháp nhằm tăng tỷ lệ trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tại Việt Nam.
Theo bà, đâu là rào cản lớn nhất khiến tỷ lệ trẻ được nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) tại Việt Nam thấp so với thế giới? Đề nghị bà cho biết kinh nghiệm hay từ một số nước đã triển khai thành công chương trình NCBSM?
Có rất nhiều rào cản trong việc khuyến khích NCBSM tại VN, song theo tôi vấn đề quan trọng nhất là cần có cơ sở pháp lý mạnh hơn để hỗ trợ việc bảo vệ và thúc đẩy NCBSM.
Việc cho phép quảng cáo sữa công thức cho trẻ trên 12 tháng tuổi vô hình đã thúc đẩy các bà mẹ sử dụng sữa bột công thức thay thế sữa mẹ. Chế độ nghỉ thai sản hiện tại (4 tháng) cũng chưa đảm bảo cho bà mẹ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF. Hơn nữa, đến thời điểm này chỉ có 59 BV được công nhận là BV Bạn hữu trẻ em (những cơ sở y tế từng được đánh giá thực hiện tốt 10 bước NCBSM theo khuyến cáo của WHO và UNICEF), trong khi đây là điều kiện rất quan trọng trong việc “cải thiện” tỷ lệ trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu…
Để đảm bảo hiệu quả của chương trình NCBSM, tại nhiều quốc gia đã cho phép bà mẹ được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng. Tại Philíppin còn nghiêm cấm các công ty sản xuất, kinh doanh sữa tham gia vào việc quảng cáo, giáo dục và sản xuất các tài liệu thông tin truyền thông. Theo tôi, VN cũng nên cấm ngành công nghiệp sữa tài trợ việc đào tạo cán bộ y tế và hạn chế việc hỗ trợ nghiên cứu cho cán bộ y tế và nhà nghiên cứu. Nghị định 21 cũng cần sửa đổi, cấm quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, bao gồm các sản phẩm cho trẻ em đến 2 tuổi, chứ không chỉ giới hạn ở sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi như hiện nay...
Còn tại Campuchia, việc tăng cường các chiến dịch khuyến khích NCBSM từ khi bé ra đời cho tới 6 tháng tuổi đã nâng tỷ lệ NCBSM lên 74% năm 2010, tăng 11% so với năm 2005. Lời kêu gọi cấm quảng cáo ra đời sau khi có những nghiên cứu từ WHO cho thấy nhiều trẻ em được cứu sống mỗi năm ở Campuchia là kết quả của việc ngày càng có nhiều bà mẹ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú cho đến khi trẻ 2 tuổi.
Nhiều ý kiến e ngại nếu nâng chế độ nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, sự lo ngại này là có cơ sở hay không, thưa bà ?
Nhân viên y tế khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho mẹ và bé tại Ngày hội truyền thông. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Theo tôi, sự lo ngại này là hoàn toàn thiếu căn cứ. Xét về khía cạnh kinh tế, NCBSM là hoàn toàn miễn phí, còn nếu nuôi con bằng sữa ngoài thì trung bình, mỗi gia đình phải bỏ ra khoảng 800.000 đồng - 1.200.000 đồng/tháng, tương đương với khoảng 53% – 79% thu nhập trung bình của một người, ảnh hưởng không nhỏ tới việc chi tiêu của nhiều gia đình.
Hơn nữa, cho trẻ bú sữa mẹ còn có lợi cho sức khỏe của trẻ và mẹ nên các gia đình sẽ tốn ít thời gian và tiền bạc hơn cho việc khám và chữa bệnh do dinh dưỡng kém gây ra.
Đặc biệt, giá trị ước tính từ sữa mẹ mà các bà mẹ Việt Nam có thể sản xuất ra là khoảng 549 triệu đôla/năm nhưng đáng tiếc là không phải tất cả giá trị đó đã được sử dụng một cách hiệu quả do tỉ lệ NCBSM ở Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ NCBSM thấp cũng có nghĩa làm tăng chi phí y tế của quốc gia, trung bình mỗi năm Việt Nam mất khoảng 10 triệu USD chi cho việc điều trị các bệnh do thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ kém.
Việc cho phép các bà mẹ được nghỉ thai sản 6 tháng để có thể NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, các bà mẹ sẽ ít phải nghỉ làm để chăm con ốm. Ở các quốc gia đã nới rộng thời gian nghỉ thai sản cũng không thấy có sự ảnh hưởng nào tới sự sụt giảm thu nhập của phụ nữ. Những yếu tố này đã góp phần tạo dựng một lực lượng lao động ổn định và gắn kết với doanh nghiệp hơn, từ đó giúp gia tăng nguồn thuế và thu nhập quốc gia.
Và hãy thử so sánh, thời gian làm việc của một người phụ nữ trung bình từ 30-35 năm (từ 20 - 55 tuổi). Ước tính mỗi phụ nữ VN chỉ có từ 1- 2 con nên nếu chế độ nghỉ thai sản là 6 tháng thì thời gian nghỉ thai sản tối đa cũng chỉ là 1 năm/35 năm làm việc. Hơn nữa, nếu chế độ nghỉ thai sản từ 4 tháng được điều chỉnh thành 6 tháng trong Luật Lao động, thì bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ là nơi chi trả thêm 2 tháng lương cho các bà mẹ, doanh nghiệp không phải lo chi phí.
Thời gian tới, UNICEF sẽ hỗ trợ gì để giúp Việt Nam triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến khích NCBSM?
UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để bảo vệ và thúc đẩy thực hành NCBSM, thông qua việc vận động các nhà lập chính sách, các tổ chức liên quan (gồm cả các gia đình, các bà mẹ). Hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chính sách toàn diện, các chiến lược dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, như Chiến lược dinh dưỡng quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về nuôi dưỡng trẻ nhỏ…
Thời gian này, chúng tôi đang nỗ lực phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và hội… nhằm đưa ra các bằng chứng khoa học cho những khuyến nghị để trình Chính phủ sửa đổi, nâng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng hiện nay lên thành 6 tháng trong Luật Lao động sửa đổi và các văn bản hướng dẫn liên quan. Thúc đẩy trao quyền cho những người làm công tác y tế và cộng đồng nhằm đảm bảo các bà mẹ được tư vấn và hỗ trợ kỹ năng về các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
UNICEF cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quảng bá về lợi ích của sữa mẹ, xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông toàn diện, sáng tạo giúp giải quyết các rào cản đối với NCBSM thành công và đảm bảo các bà mẹ và người chăm sóc trẻ có thể tiếp cận thông tin chính xác.
Theo tôi, để việc NCBSM đạt hiệu quả mong đợi thì cần sự hỗ trợ từ chính các cán bộ y tế, những nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các chủ doanh nghiệp. Có như vậy, các bà mẹ mới được hỗ trợ toàn diện, kể cả nguồn lực mà họ cần để có thể lựa chọn phương án nuôi dưỡng tốt nhất cho con của họ.
Xin cảm ơn bà!
Phương Liên (thực hiện)