Với giá trị kinh tế cao gấp 5 lần trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm đang là mô hình phát triển kinh tế giúp nhiều hộ dân ở xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng thoát nghèo.Từ năm 2009, nhận thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm có giá trị kinh tế cao và cho thu nhập thường xuyên, ổn định, lại đã được thử nghiệm thành công ở nhiều huyện trong tỉnh, nên nhiều hộ dân ở xã Lang Môn đã chuyển từ trồng lúa sang mô hình làm ăn này và đều đã thoát nghèo.
Trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao.
|
Ông Nông Văn Thức, xóm Nà Piao, xã Lang Môn, cho biết, ông đã tự tìm hiểu nghề trồng dâu nuôi tằm qua sách, báo và đi thực tế học hỏi các gia đình đang nuôi tằm ở các huyện Bảo Lạc, Hà Quảng... Nhận thấy tằm là loài dễ nuôi, nhanh có lợi nhuận, tuy lợi nhuận thu vào một lần không cao, nhưng cho sản phẩm thu thường xuyên, liên tục trong năm, nên gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư với số vốn ban đầu là 80 triệu đồng để làm nhà nuôi tằm, mua giống cây dâu, thuê người trồng…
Ông Thức chia sẻ kinh nghiệm: Lúc mua trứng tằm về phải để nguyên trong túi và lắc trong vòng 2 ngày mới đổ trứng tằm ra, dùng lồng bàn úp lên và phủ thêm một lớp vải mỏng, rồi thắp điện cho sáng để tránh lúc trứng tằm nở bò ra ngoài, cứ để như vậy trong vòng 24 giờ, trứng tằm sẽ nở thành con.
Với cây dâu, đây là loại cây sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, sau 4 - 6 tháng là có thể cho thu hoạch lá. Một đợt trồng dâu có thể cho thu hoạch từ 10 - 20 năm. Mặt khác, cây dâu có thể trồng xen với các loại cây ngắn ngày như: Lạc, đỗ tương, các loại rau xanh ngắn ngày... vừa tiện chăm sóc, vừa góp phần đầu tư, cải tạo đất. Chi phí trồng dâu thấp, lại cho thu hoạch nhanh, nên có nhiều thuận lợi hơn so với các ngành nghề khác.
Mỗi lứa tằm, trừ hết các chi phí, gia đình ông Thức thu về số lãi khoảng 15 triệu đồng.
Quốc Đạt