Gần 20 năm dạy học ở trường Tiểu học xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, cô giáo H'Ner, dân tộc Bahnar đã trở thành con chim đầu đàn của nhà trường trong việc chăm lo cái chữ cho con em đồng bào dân tộc ở các buôn làng. Ngay từ khi còn học phổ thông, cô giáo H'Ner đã ý thức được chính có cái chữ mới làm cho "cái đầu" của người Bahnar mình sáng ra, biết cách làm ăn mới và thoát đói nghèo, lạc hậu.
Cô giáo H’Ner dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém tại nhà. |
Trong quá trình dạy học, cô giáo H'Ner luôn coi học sinh như con em của mình. Ban đầu, khó khăn nhất là huy động các cháu trong độ tuổi đến lớp và duy trì sĩ số đến cuối năm học, bởi nhiều phụ huynh thường đưa con em mình lên nương rẫy để lao động. Cô giáo H'Ner đã không quản ngại khó khăn cùng với nhà trường và các già làng, trưởng bản đến từng hộ để tuyên truyền, vận động theo phương châm "mưa dầm, thấm sâu", nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng, tự nguyện cho con em mình đến trường lớp.
Ngoài kiến thức sư phạm tiếp thu ở trường, cô luôn học hỏi kinh nghiệm ở các bạn đồng nghiệp về phương pháp soạn giáo án, phương pháp truyền đạt từng môn học... nhằm giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Cô đã tự mình mua máy vi tính để soạn giáo án, sưu tầm trên mạng những gì cần thiết phục vụ cho công tác dạy học để áp dụng vào trong quá trình giảng dạy. Hàng ngày, cô H’Ner còn dành thời gian đưa học sinh học lực yếu về nhà riêng của mình để phụ đạo thêm. Nhờ vậy, năm học nào lớp học do cô phụ trách đều đạt 100% số học sinh lên lớp; 100% số cháu trong độ tuổi ở làng Tuơh K'Tu đều đến lớp học và duy trì được sĩ số đến cuối năm học; không có trường hợp nào bỏ học giữa chừng như trước đây nữa.
Bài và ảnh: Văn Thông