Làm giàu trên đất bán ngập

Nhiều người dân tái định cư Thủy điện Sơn La ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã chủ động khai thác tiềm năng của vùng đất bán ngập để trồng các loại cây rau màu như: Lạc, ngô, dưa chuột và đậu tương… Nhờ đó, đời sống đồng bào dân tộc nơi đây đang dần được cải thiện.

 

Người dân khu vực bản Pậu, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ tranh thủ canh tác khi nước hồ thủy điện rút.

 

Ông Nguyễn Khắc Tiệp, Phó phòng Nông nghiệp huyện Sìn Hồ, cho biết: Năm 2012, lớp đất phù sa màu mỡ đã xuất hiện khi nước rút trên hồ thủy điện, vùng đất ruộng bán ngập ngay lập tức được đưa vào sản xuất thử nghiệm mô hình trồng ngô, cho năng suất đạt trên 4,5 tạ/ha. Với loại đất này, nông dân không mất công bón phân hay làm đất nhiều. Tất cả những loại rau màu của bà con trồng ở vùng bán ngập đều là sản phẩm sạch. Vụ này, hơn 400 ha ngô được trồng mới, với cơ cấu giống lai chiếm trên 60%.


Ngoài ngô, nhiều loại cây rau màu mới như lạc, đỗ, dưa chuột... cũng được các hộ nông dân trồng thử và bước đầu có kết quả khả quan. Anh Phìn Văn Quân, dân tộc Thái, xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ, đã mua giống đỗ và dưa chuột về trồng thử trên diện tích đất bán ngập nhiều. Cần mẫn tách những lạt buộc nhánh cây dưa xanh tốt vào trụ tre, anh Quân phấn khởi nói: “Đất này trồng rau màu rất hợp, dịp này trồng thử dưa chuột xem có hiệu quả hay không, nếu thuận lợi thì sẽ có thêm đồng ra đồng vào phụ giúp gia đình. Hiệu quả cao thì mùa sau anh sẽ làm tiếp và diện tích dự kiến sẽ lớn hơn nhiều”.


Tận dụng diện tích đất bán ngập trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 9 dương lịch, khi nước rút, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã tranh thủ canh tác và thu về hàng chục triệu đồng/vụ. Trên ruộng ngô hàng nghìn mét vuông tại khu vực bản Pậu, xã Nậm Tăm, chị Tao Thị Hăn, dân tộc Lự cùng chồng đang bón phân vào những gốc ngô đang xanh mơn mởn cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ giống và phân bón, năm nay gia đình tôi trồng hơn 3.000 m2 ngô. Đất ở đây tốt hơn đất trên nương mà lại không mất nhiều công sức lao động. Vụ trước gia đình trồng thử trên 1.000 m2, sau thu hoạch cũng thấy có hiệu quả. Nhờ làm đúng như hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật huyện nên cây đang phát triển rất tốt. Cuộc sống gia đình tôi đã cải thiện hơn rất nhiều”.


Ông Tao Văn Ún, Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ nhận định: Cây trồng trên đất bán ngập đang thực sự mở ra hướng thoát nghèo mới cho người dân ở các bản làng tái định cư thủy điện trên địa bàn. Việc mở rộng diện tích cây trồng và đưa nhiều loại giống mới vào sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất.


Hiệu quả xóa đói giảm nghèo cho người dân tái định cư từ vùng đất bán ngập là rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc canh tác trên vùng đất bán ngập mới được chính quyền sở tại triển khai được hai năm nên vẫn còn đó những khó khăn cần giải quyết, đặc biệt là khâu tiêu thụ nông sản. Anh Phìn A Sàng ở bản Co Sọ, xã Nậm Mạ, cho biết: “Gia đình định tính mở rộng thêm diện tích trồng rau màu, nhưng lo ngại đầu ra vì địa bàn xa. Nếu được mùa, gia đình cũng mất kinh phí vận chuyển nông sản đến nơi mua, như vậy sẽ bớt lời lãi”.


Để bà con khai thác bền vững và có hiệu quả nguồn tài nguyên đất nông nghiệp màu mỡ vùng bán ngập, các cấp, ngành cùng chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách chủ động hỗ trợ giống và phân bón cho bà con. Mặt khác cần nghiên cứu và thông báo việc điều tiết nước lên xuống của hồ thủy điện để bà con biết mà điều chỉnh thời vụ cho chính xác. Đồng thời lên kế hoạch tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, dần dần phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa để bà con được hưởng lợi ích lâu dài từ vùng đất bán ngập phì nhiêu này.


Bài và ảnh: Quang Duy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN