Dự án thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220MW, đã được triển khai gần 4 năm qua, đến nay đang gấp rút hoàn thành việc thi công hồ chứa để sớm phát điện. Trước khi có dòng điện này, tại vùng tái định canh, định cư của công trình, một làng mới cũng dần hiện hữu. Tất cả 93 hộ dân ở 2 thôn Vi Ring, Đắk Tăng xã Đắk Tăng huyện Kon Plông (Kon Tum) đang hồ hởi chuẩn bị cho mình một cuộc sống ở nơi ở mới an toàn, to đẹp và thuận tiện hơn.
Xóa ốc đảo
Dự án thủy điện Thượng Kon Tum đóng chân trên địa bàn 3 xã Măng Cành, Ngọc Tem, Đắk Tăng, huyện Kon Plông - một trong những huyện đang được hưởng chương trình 30a của Chính phủ.
Khu tái định cư của thủy điện Thượng Kon Tum.
|
Chỉ cách đây khoảng 5 năm, việc đi đến các xã trên rất khó khăn. Mưa xuống nơi đây thành ốc đảo, mọi sinh hoạt của người dân gần như tự cung, tự cấp. Mọi chuyện chỉ thuận lợi khi mùa khô đến nhưng ở cao nguyên Kon Plông này thì thời tiết mưa gần như quanh năm.
Bản thân người viết cách đây khoảng 3 năm khi vừa đặt chân lên Kon Tum, vào Măng Bút cũng đã phải lội rừng, cuốc đất, chặt cây để chống lầy cho xe vào xã. Gặp cơn mưa rừng phải ở lại luôn 2 ngày, chờ mưa tạnh, được sự giúp sức của mọi người mới ra được ngoài huyện. Khó khăn là vậy nên cuộc sống của người dân nơi đây gần như tự cung tự cấp. Hàng hóa không thể lưu thông ra ngoài. Các loại nông sản gần như để tiêu thụ nội địa vì bán cũng chẳng ai mua, mà nếu mua thì phải ép giá. Người dân quanh năm chỉ biết cá khô, cá suối cùng rau rừng.
Từ khi Thủy điện Thượng Kon Tum chính thức khởi công, hàng loạt con đường mới mọc ra để nối những cư dân bản địa ở vùng sâu, vùng xa này lại với trung tâm. Khoảng 200 tỷ đồng đã được đầu tư để làm 40 km đường bê tông theo tiêu chuẩn cấp 5 miền núi, nối trung tâm huyện đến các xã vùng sâu trên. Ngoài ra, hàng chục tỷ đồng khác cũng được đầu tư để làm con đường nội vùng nối tỉnh lộ 676 vào các khu tái định cư cũng được bê tông hóa…, đã tạo thuận lợi cho dân đi lại.
Từ chỗ “ốc đảo”, giờ đây đường vào xã Măng Cành, Đắk Tăng, Măng Bút đã liên thông cả năm. “Trước đây mỗi khi vào xã, xe chở vật liệu nếu may mắn đi mất cả chục ngày như chơi. Xe chở 1,5 thiêng gạch nhưng đến nơi chỉ còn 1 thiêng, số còn lại được tài xế vá đường, chống lầy. Nay thì sướng rồi. Nắng mưa gì đường cũng thông quanh năm”, bác tài xế xe khách cho biết.
Nhà mới ở vùng tái định cư
Để phục vụ công trình thủy điện Thượng Kon Tum, đã có gần 200 ha đất của người dân ở 3 xã Đắk Tăng, Măng Cành, Ngọc Tem được thu hồi để xây dựng nhà máy. 93 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới.
Để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, chính quyền và chủ đầu tư công trình đã chủ động trong phối hợp thực hiện. UBND huyện Kon Plông làm chủ đầu tư trong công tác tái định canh, định cư tại công trình. Nhiều mô hình đã được chính quyền huyện Kon Plông đưa ra. Sau nhiều lần lựa chọn, cuối cùng người dân và chính quyền cũng chọn được nơi ở, mẫu nhà cho dân. Tại nơi ở mới này, mỗi hộ dân được hỗ trợ xây dựng một căn nhà sàn mới đáp ứng đủ tiêu chuẩn nông thôn mới với mái ngói, tường xây dày, trụ bê tông. Diện tích nhà từ 60 - 80 m2 (tùy khẩu ít hay nhiều). Ngoài ra, còn có nhà bếp, nhà ăn và công trình vệ sinh riêng. Hệ thống nước sinh hoạt được lấy từ suối, dẫn về bể lọc trước khi vào tới từng hộ dân. Hệ thống đường điện sinh hoạt cũng kéo tới tận hộ dân đã tạo được sự thuận tiện cho mỗi nhà… Giá mỗi căn nhà trên từ 300 - 400 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi hộ còn được cấp 1.000 m2 đất ở, 0,8 ha lúa nước và 1 ha lúa rẫy… Tổng mức đầu tư tái định canh, định cư cho dân là hơn 200 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ hơn 2 tỷ.
“Ban đầu, xã mời bà con lên xem mẫu, chọn nhà, bà con chọn nhà rông, vách gỗ nhưng sau này nhiều gia đình đã chọn cách xây luôn, không vách gỗ để ấm hơn. Trước đây, bà con trong làng chẳng ai dám mơ sẽ có được những căn nhà sàn to đẹp như thế này. Trước kia nếu giỏi lắm thì cũng làm được căn nhà sàn bằng ván, lợp tranh nhưng cũng chỉ được vài năm thì hư thôi vì mưa quanh năm mà, nhà nào chịu nổi. Giờ thì chẳng lo gì”, anh A Khin, ở làng Đắk Tăng, xã Đắk Tăng, tâm sự.
Những ngày tháng 5 lịch sử này, cùng với cả nước đang hân hoan thi đua lao động sản xuất nhằm hưởng ứng lời kêu gọi Thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì trên công trình, tại khu tái định canh ở thôn Vi Rinh, Đắk Tăng, không khí khẩn trương cũng đang hiện hữu. Mỗi người đang cố gắng hoàn tất các hạng mục công trình còn lại của khu tái định canh, định cư để đón dân về nơi ở mới. Theo dự kiến thì đến cuối năm 2013 này, tất cả các hạng mục, nhà dân còn lại ở khu tái định canh, định cư của thôn Vi Rin và Đắk Tăng sẽ hoàn thành và đón dân về ở hết. “Về nơi ở mới người dân sẽ được cấp điện, nước đến tận nhà. Trong 3 năm đầu khi dân về ở, mỗi tháng chúng tôi cũng hỗ trợ 30 kg gạo/khẩu để giúp dân ổn định cuộc sống. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ di dời về nơi ở mới mỗi hộ 5 triệu đồng, hỗ trợ tiền mừng nhà mới…” anh Huỳnh An - Phó Trưởng ban dự án công trình cho biết thêm.
Bên cạnh đó, để người dân an tâm định cư, hàng loạt công trình phúc lợi xã hội, trường học cũng được xây dựng tại khu ở mới như trường mẫu giáo, tiểu học, nhà rông văn hóa. Với sự chuẩn bị chu đáo trên, cùng sự quan tâm, giúp đỡ, theo sát công trình từ chính quyền cơ sở, tin rằng cuộc sống mới của người dân Vi Rin và Đắk Tăng ở vùng tái định canh, định cư mới sẽ ấm no hơn.
Bài và ảnh:Cao Nguyên