Làng nghề tre trúc Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có tuổi đời hàng trăm năm, đang gặp khó khăn do không có "đầu ra" sản phẩm, thu nhập từ làm nghề không đảm bảo cuộc sống, nhiều người dân làng nghề đã phải tìm kế sinh nhai mới.
Hiện trong thôn chỉ còn khoảng 70 hộ, với hơn 400 lao động theo nghề. Những hộ còn sản xuất này cũng đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản, do sản phẩm chất đầy nhà mà không có người mua. Gia đình anh Nguyễn Đình Quang là một trong những hộ còn sản xuất tranh tre trong làng. Anh Quang cho biết: Cách đây 3 – 4 năm, xưởng của anh có hàng chục lao động, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đấy, có khi đơn đặt hàng nhiều, cả gia đình phải “tăng ca” làm hết sức mới kịp. Nhưng, hiện nay, sản xuất nông nghiệp là nghề chính của gia đình anh. Xưởng tranh của anh chỉ còn 8 lao động thường xuyên.
Ngậm ngùi bỏ nghề truyền thống, người dân Xuân Lai phải chuyển sang làm nghề may mặc, nhiều người còn phải ra Hà Nội làm thuê để có thêm thu nhập.
Trước những thách thức mới, để nghề truyền thống tồn tại và phát triển, người dân Xuân Lai cần phải có hướng đổi mới phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của người dân, để làng nghề phát triển trong giai đoạn hiện nay, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương như: Hỗ trợ về vốn, chính sách, tìm hướng đi để sản phẩm truyền thống có "đầu ra" ổn định...
Thanh Thương