Thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt, nước ao hồ, đồng ruộng ô nhiễm, hàng chục người chết vì căn bệnh ung thư... Đó là những điều người dân thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đang phải đối mặt từng ngày.Gia đình chị Quế và nhiều hộ dân tại thôn Lũng Vị phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm. |
Đi qua con đường đất lầy lội sau cơn mưa, cống nước hai bên đường đen ngòm, bốc mùi hôi thối, chúng tôi tìm đến nhà chị Phạm Thị Quế. Thấy có khách đến, chị Quế tất tả vớt nốt chỗ rau trong chậu ra rổ, chỉ chậu nước ngả màu đục, chị Quế cho biết: “Nhà tôi phải đào đến cái giếng thứ 2 mới có nước dùng. Chiếc giếng đầu tiên nước có mùi tanh, chiếc thứ 2 thì nước ngả màu đen nhưng không còn cách nào khác nên vẫn phải dùng”.
Không hiểu vì lí do gì, nhưng mấy đứa trẻ nhà chị Quế đều bị nổi nốt, mẩn ngứa khắp người mấy năm không khỏi, còn bố chồng chị là ông Thông thì bị “bệnh lạ”, lở loét khắp người. “Nhiều người đoán ông bị như vậy vì nhiều năm nay đi cày thuê, mà nước đồng rất ô nhiễm. Làng này nhiều người bị ung thư, cách đây không lâu, 2 người em của ông cũng bị mất vì bệnh ung thư”, chị Quế trăn trở.
Ở thôn Lũng Vị, không ít gia đình cũng có 4 - 5 người mất vì bệnh ung thư. Gia đình ông N.V.C có 5 người con trai thì có 4 người mắc bệnh ung thư và qua đời khi mới chỉ 40 - 49 tuổi, bản thân ông C cũng qua đời vì bệnh ung thư phổi.
“Vấn đề bức xúc nhất là tìm nguồn nước sạch thay thế cho người dân tại các làng này”.
TS Hồ Minh Thọ, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT). |
Lật giở cuốn sổ ghi tang lễ của xã Đông Phương Yên, ông Nguyễn Xuân Sắc, cán bộ phụ trách khám chữa bệnh tại trạm y tế xã cho biết: “Lũng Vị có 1.800 nhân khẩu với 0 hộ gia đình, từ năm 1990 đến năm 2014 đã có 47 người chết vì bệnh ung thư. Đặc biệt tăng cao vào năm 2013, 2014, nếu tính riêng năm 2014 đã có 9 người chết, còn 4 người bị ung thư đang điều trị. Chủ yếu mắc bệnh ung thư gan, ung thư vòm họng, ung thư phổi...”.
Mặc dù số người mắc bệnh ung thư cao như vậy nhưng đến nay, người dân thôn Lũng Vị vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác của sự việc này. Nhiều đơn vị đã về kiểm tra và xác định nguyên nhân ban đầu có thể là ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là ô nhiễm nước ngoài đồng ruộng vì người dân đi cày cấy về thường bị mắc bệnh ngoài da, mẩn ngứa. Nước ngoài đồng thường đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Ngoài nguồn nước đồng ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt của làng cũng rất thiếu và chưa đảm bảo. Ông Vũ Văn Tuất (57 tuổi) bị mắc bệnh ung thư vòm họng đã 3 năm nay cho biết, tất cả nước uống hay nấu ăn đều được khử qua máy ozon nhưng nước sau 15 phút sục, thì ngả màu vàng và bốc mùi tanh rất khó chịu. “Tôi có hỏi một số người thì họ nói rằng như vậy là nước bị ô nhiễm. Pha trà nước cũng chuyển màu mà giặt quần áo trắng thì bị ngả vàng”, ông Tuất cho biết.
“Dù nước bị ô nhiễm nhưng Lũng Vị cũng bị thiếu nước, một số hộ đào, khoang giếng nhưng không có nước, nên phải bơm nước từ ngoài đồng về, xử lý qua hệ thống lọc sơ sài để ăn uống nên phát sinh bệnh tật”, ông Sắc cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên, Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, nguồn nước của làng Lũng Vị bị ô nhiễm do một số nhà máy đóng trên địa bàn thôn xả trực tiếp nước thải ra kênh mương, đồng ruộng, cộng với nước thải chăn nuôi, làm thủ công mây tre đan của người dân trong xã xả ra cống rãnh, môi trường. Lũng Vị là thôn trũng nhất xã nên toàn bộ nước thải sinh hoạt, chăn nuôi từ các thôn khác xả ra cống sẽ dồn hết về Lũng Vị sau đó mới được thải ra đồng, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
“Chúng tôi đã có kiến nghị lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi”, ông Huấn cho biết.
1.136 người chết vì ung thư
Theo kết quả điều tra, khảo sát từ dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT), tại các xã của 37 “làng ung thư” thuộc 22 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư với các bệnh phổ biến như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày… Ngoài ra, còn có 0 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư, tính trong vòng 5 - 20 năm trở lại đây. Điểm chung nhất là nguồn nước tại các “làng ung thư” đều bị ô nhiễm, có những chỉ tiêu vượt mức cho phép theo quy định tiêu chuẩn về nước. Nguyên nhân hầu hết là do nguồn chất thải rắn và lỏng từ làng nghề, hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt… |
Thu Trang