Lễ cấp sắc của đồng bào Dao đỏ

Với những cánh rừng đại ngàn luôn véo von tiếng chim, những nếp nhà sàn của đồng bào Dao đỏ ở Khe Lắc, xã Nông Thịnh, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) nhấp nhô càng tô điểm cho bức tranh miền núi thêm nét bình dị mà sâu lặng như chính lòng người nơi đây. Không những vậy, bản làng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân tộc vùng cao vô cùng độc đáo. Trong đó có lễ cấp sắc vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.


 

Lễ cúng mời tổ tiên, một phần quan trọng trước khi bước vào cấp sắc.

 

Chúng tôi may mắn được tham dự một lễ cấp sắc của họ Hoàng, dân tộc Dao đỏ, ở thôn Khe Lắc. Đây là một ngày hội không chỉ của các thành viên trong gia đình, mà còn là của cả mọi người trong thôn. Ông Hoàng Hữu Toàn, gia chủ của dòng họ Hoàng cho biết: Đã hàng chục năm nay trong thôn mới lại có một lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc của đồng bào Dao có 3 bậc, bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc thứ 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Nếu cấp sắc 3 đèn hay 7 đèn, thời gian diễn khoảng 4 ngày 3 đêm, vì vậy, lễ cấp sắc không chỉ là công việc riêng của một gia đình, mà còn là ngày hội cả dòng họ và bản làng.


Trong lễ cấp sắc có rất nhiều nghi thức được tiến hành tuần tự từng bước, có thể cùng một lúc diễn ra vài nghi thức, mỗi nghi thức có những nội dung, ý nghĩa khác nhau và có một thầy cúng đảm nhiệm. Thầy chính trong cấp sắc 3 đèn, gọi là “Khòi giáo”. Còn đối với thầy chính trong cấp sắc 7 đèn gọi là “Khòi tàn say, Sài chấy say, Chì chiếu say, Dần tậu say”. Ngoài ra, trước khi làm lễ khoảng 2 đến 3 ngày, rất nhiều đồ dùng sẽ được chuẩn bị trước như: giấy bản, khắc dấu, giấy dán, cây làm đèn….


Màn khai lễ của cấp sắc là cúng mời tổ tiên, gọi là “Siên pẹe”, trình báo tổ tiên về việc tiến hành lễ cấp sắc cho con cháu dòng họ.


Dâng hương hay còn gọi là "Pháo hung" là nghi lễ tiếp theo, sau màn khai lễ. Lễ dâng hương để mời các thần thánh, tổ tiên, tổ thư của các thầy đến tham dự. Một trong những đồ lễ không thể thiếu là tranh thờ. Ngoài các bức tranh của các thầy, các bức tranh của dòng họ cũng được sử dụng trong lễ cấp sắc. Nội dung những tranh thờ của đồng bào Dao có giá trị nhân văn sâu sắc, giáo dục đời đời con cháu luôn biết về nguồn gốc lịch sử và có trách nhiệm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.


Nghi lễ tiếp theo gọi là “sching síng”: Thầy cúng và các đệ tử ngồi thành vòng tròn trước bàn thờ tổ tiên rung chuông để mời tổ tiên, các thần thánh về dự và chứng kiến việc cấp sắc của dòng họ. Đây còn gọi là nghi lễ “Đại mời”. Lễ gồm 36 gói cơm nếp nặn tròn được gói bằng lá chít. Lễ Khai đàn hay Khoi tàn là lễ để cấp sắc cho các đệ tử nam, đây là lễ quan trọng nhất trong suốt quá trình làm lễ.


“Chong sày chân” là đồ lễ gồm có một bát gạo và một ít tiền được gói trong mảnh vải vuông màu trắng, thường mỗi thầy sẽ sử dụng một “sày chân” để trình bày một nội dung công việc trình báo thần thánh cùng tổ tiên.


Cấp sắc - "quá tăng", khâu quan trọng nhất trong trong chuỗi các nghi lễ, là giai đoạn chính thức bước vào cấp sắc, thường được tiến hành vào đêm thứ hai và từ khoảng 12 giờ đêm trở đi. Lễ lên đèn cấp sắc thể hiện sự trưởng thành của người con trai qua hình tượng cây đèn 3 ngọn, tương ứng với quan niệm: Tinh - Khí - Thần, nghĩa là con người đã thoát khỏi bản thể và thoát thai để thành một người lớn. Vì vậy, một người đàn ông Dao muốn được công nhận là người lớn phải trải qua lễ cấp sắc. Đối với cấp sắc 7 đèn, người thụ lễ như được sinh lần thứ hai được biểu trưng bằng cây đèn có 7 ngọn nằm trên một trục thẳng đứng, tượng trưng cho sự tuần hoàn của vũ trụ, trên cao có mặt trời, xung quanh có mặt trăng và các vì sao, dưới đất có thổ tinh.
Trong lễ này, các thầy phải thực hiện tuần tự từng nghi thức, từ mặc quần áo, đội mũ cho người thụ lễ, đến đặt đèn và hạ đèn cho người thụ lễ. Nhiên liệu dùng đốt đèn được đồng bào Dao ép bằng dầu thực vật từ cây vừng đen, nhưng ngày nay để tiện lợi hơn đồng bào đã dùng nến để làm đèn. Những chiếc đèn này với dụng ý soi sáng cho cơ thể, tẩy rửa tất cả các tội lỗi để trở thành người trong sạch... Trong quá trình cấp sắc đệ tử sẽ được cấp binh mã và phép thuật, lúc này người đàn ông Dao mới thật sự trưởng thành.


Sau khi các đệ tử được cấp binh mã và phép thuật, các thầy cúng sẽ lần lượt đưa các đệ tử ra trước cửa nhà để mời Ngọc Hoàng xuống làm chứng việc cấp sắc đã hoàn thành.


“Chíp dấn” là nghi thức đón con dấu cùng với các đạo sắc do các thầy ghi lại cho người thụ lễ cất giữ. Đây được coi như một trong những nghi thức lễ tơ hồng lần thứ hai vĩnh viễn trên cõi dương và cả trong cõi âm của vợ chồng người thụ lễ. Thông qua nghi thức này, người thụ lễ mới chính thức được thánh thần công nhận là vợ chồng.


Để tạ ơn thầy, mỗi đệ tử nữ sẽ chuẩn bị một miếng vải đỏ và đậu phụ, đậu có thể được rán lên hoặc dùng đậu vừa được nghiền từ đỗ tương nấu lên rồi chan với rượu gọi là “Lồ quân tầu pậu” hay “ Tầu pậu tíu”. Vợ chồng người thụ lễ bê những bát đậu phụ kính dâng lên các thánh thần và mời các thầy cúng, sau cùng là mời mọi người xung quanh đến dự lễ cùng ăn. Trong suốt thời gian diễn ra lễ cấp sắc, từ ngày thứ hai trở đi, người thụ lễ phải ăn chay và đây cũng chính là nghi thức kết thúc việc kiêng kị của người thụ lễ.


“Xà dằng” là một nghi lễ cuối diễn ra vào rạng sáng, được tổ chức ở ngoài cánh đồng. Trong lễ này, các thầy cúng tế để tìm những ma tổ tiên bị ma dữ hay ma ngoài bắt đi. Vì vậy, con cháu phải làm lễ cắt đứt mối quan hệ giữa ma tổ tiên với ma ngoài. Khi thực hiện lễ này ở ngoài đồng sẽ đem theo các lễ vật như gà, lợn, rượu… để thầy làm lễ. Sau khi kết thúc, toàn bộ những lễ vật này sẽ mời những người qua đường và những người làm lễ ăn tại chỗ và không được mang về nhà. Trong khi diễn ra lễ “Xà dằng” ở ngoài đồng, thì tại gia đình cũng diễn ra một nghi lễ có tên gọi "Phàn tàn", đây là lễ khi các thầy ở ngoài đã tìm được các hồn ma quỷ ám bắt ma tổ tiên, các thầy ở nhà sẽ tách hồn yêu ma ra khỏi hồn tổ tiên và giữ hồn tổ tiên ở lại không cho yêu ma bắt đi nữa để phù hộ con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.


"Dùn pùn” là nghi lễ cuối cùng của cấp sắc, đây là một bữa tiệc tiễn khách. Sau khi hoàn thành việc cấp sắc thì phải tiễn các vị thần thánh về trời và để bày tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với các thánh thần, Bàn Vương, ma tổ tiên đã về chứng giám bảo trợ phù hộ trong suốt quá trình hành lễ. Từ đây người đàn ông thụ lễ đã được coi như một người trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh. Người đã qua lễ cấp sắc thì dù là trẻ con vẫn được coi là người lớn, được ngồi với già làng, được tham gia cúng bái hoặc giúp việc cho những thầy cúng trong các cuộc cúng lễ của tư gia cũng như cộng đồng. Họ quan niệm rằng, người đã trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương.


Bài và ảnh: Đỗ Kim Tập

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN